14/04/2023 13:39
Nhân viên Tô Văn Mạng của cơ sở bánh tét Hai Lý vớt bánh từ nồi nấu bánh tét công nghiệp sử dụng điện.
Việc ứng dụng các thiết bị tiên tiến vào sản xuất hiện nay luôn được sự quan tâm trong mọi hoạt động, mọi ngành nghề trong xã hội. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã có nhiều cơ sở, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư trang thiết bị mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhiều năm qua, cơ sở sản xuất bánh tét Hai Lý, xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang nhiều công đoạn làm bánh theo hình thức truyền thống, tốn nhiều chi phí trong sản xuất và nguồn nhân lực. Để bắt nhịp kịp thời với thời đại công nghiệp 4.0 và được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ, cơ sở mạnh dạn đối ứng đầu tư nồi nấu bánh tét công nghiệp sử dụng bằng điện nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Bà Mai Hoàng Lý, chủ cơ sở sản xuất bánh tét Hai Lý cho biết: với xu hướng phát triển thị trường ngày càng lớn, đòi hỏi cơ sở phải sản xuất với quy mô công nghiệp, đồng thời đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, hoạt động nấu bánh tét của cơ sở nhiều năm qua chủ yếu bằng lò đốt tự xây theo kinh nghiệm để phục vụ sản xuất với những nhược điểm như: lửa cháy không đều, lượng lớn nhiệt của quá trình cháy bị tổn thất và phân tán ra môi trường nên hiệu suất thấp. Trong quá trình đốt sẽ thải ra môi trường một lượng lớn khí độc như: CO2, CO, SO2, khói, bụi,... những chất này có tác động tiêu cực đến môi trường và là một trong những nguyên nhân gây nên hiệu ứng nhà kín.
Để khắc phục những hạn chế của quá trình nấu bánh, cơ sở đầu tư 05 nồi nấu bánh tét công nghiệp sử dụng điện với số tiền 250 triệu đồng; trong đó, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 120 triệu đồng. Với thiết bị tiên tiến đầu tư vào sản xuất sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất. Công suất nồi nấu bánh bằng điện tăng gấp 03 lần so với nồi nấu truyền thống. Đặc biệt, bánh tét nấu ra chín đều và chất lượng sản phẩm được nâng lên, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trong ứng dụng thiết bị mới vào sản xuất, Công ty TNHH MTV Phát Đặng, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành đã lựa chọn sản phẩm từ trái dừa nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, hướng đến duy trì và phát triển diện tích trồng dừa của tỉnh.
Lao động Công ty TNHH MTV Phát Đặng vận hành máy làm gelato kết hợp thanh trùng để làm kem dừa sáp.
Một trong những sản phẩm từ cây dừa đang được thị trường ưa chuộng hiện nay dừa sáp là sản phẩm đặc sản của huyện Cầu Kè nói riêng, của tỉnh nói chung. Dừa sáp đặc ruột, nước dừa sáp đặc, cơm dừa khá dày, mềm dẻo, hương vị thơm và béo hơn các giống dừa bình thường khác. Hiện nay, diện tích trồng dừa sáp được mở rộng ở huyện Cầu Kè và một số huyện khác trong tỉnh với diện tích 772,5ha dừa sáp, trong đó có 65,8ha dừa sáp cấy phôi. Nhờ đó, sản lượng dừa sáp Trà Vinh tăng vượt trội, cung ứng cho thị trường nhiều hơn.
Bà Đinh Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát Đặng chia sẻ: sản phẩm dừa sáp hiện nay vẫn chưa đa dạng, chủ yếu là mứt hoặc kẹo làm từ dừa sáp. Nhận thấy lợi thế và tiềm năng của trái dừa sáp nên Công ty đã nghiên cứu đầu tư sản xuất sản phẩm kem dừa sáp;
Đầu tư máy làm gelato kết hợp thanh trùng để bàn và tủ đông nhanh để làm kem giúp Công ty sản xuất sản phẩm kem dừa sáp đạt chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gia tăng thời gian bảo quản, từ đó phục vụ sản xuất hiệu quả hơn, nâng cao năng lực sản xuất, góp phần làm tăng thêm giá trị sản xuất của ngành công nghiệp.
Công ty đang dần hoàn thiện dây chuyền thiết bị trong sản xuất với tổng kinh phí 662,75 triệu đồng để sản xuất kem dừa sáp. Khi hệ thống dây chuyền hoàn thiện, góp phần củng cố kỹ thuật để tiến đến sản xuất ổn định, đa dạng hóa mẫu mã, tăng cường quảng bá sản phẩm.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.