10/07/2023 05:47
Công đoạn làm bánh in của cơ sở sản xuất Cẩm Phát, huyện Tiểu Cần.
06 tháng đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp và thương mại chuyển biến tích cực ở một số nhóm ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng ưu thế trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh. Một số sản phẩm công nghiệp tăng: thuốc viên các loại, sản xuất điện; quần áo, thảm dệt các loại, nước sinh hoạt, bộ truyền dẫn điện dùng trong ô tô, điện thương phẩm. Các sản phẩm giảm: gạo xay xát, đường kết, thủy sản đông lạnh, than hoạt tính, túi xách các loại, giày thành phẩm.
Về phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay phát triển mới 25 doanh nghiệp (DN) lĩnh vực công nghiệp, nâng đến nay có 10.992 cơ sở, DN thuộc lĩnh vực quản lý đăng ký, có 63.566 lao động; có 14 cụm công nghiệp được quy hoạch và tích hợp vào quy hoạch của tỉnh; trong đó, quyết định thành lập 04 cụm công nghiệp, hiện đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật (chủ yếu do DN làm chủ đầu tư) với 03/04 cụm công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết, diện tích khoảng 60,6ha và 01 dự án được đầu tư trong cụm với diện tích đất đã cho thuê 9,79ha, tổng vốn đăng ký 650 tỷ đồng.
Bên cạnh còn một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Một số DN chưa có nhiều hợp đồng trong những tháng đầu năm, sản lượng một số sản phẩm giảm, chi phí sản xuất tăng, tác động làm giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh bị ảnh hưởng.
Điển hình như cơ sở sản xuất bánh kẹo Cẩm Phát, Khóm 1, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần là một trong những cơ sở chế biến các loại bánh, kẹo từ nguyên liệu địa phương như dừa, đậu phộng,…
Ông Dư Tấn Lợi, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Cẩm Phát cho biết: với nghề truyền thống được lưu truyền gần 50 năm, nên sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và có mặt thị trường trong và ngoài tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, ông đã đầu tư trang thiết bị mở rộng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất từ hộ gia đình sang cơ sở sản xuất.
Ông Lợi cho biết thêm: những năm gần đây, cơ sở sản xuất phần lớn theo mùa vụ nên số lượng cung ứng thị trường không nhiều so với trước. Điều đáng mừng thời gian gần đây, sản phẩm kẹo đậu phộng đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao và tiến thẳng vào hệ thống siêu thị Co.opMart và phân phối nhiều nhất ở các đại lý tại Cần Thơ. Ngoài mặt hàng chính kẹo đậu phộng, cơ sở sản xuất thêm mặt hàng bánh men, bánh in, kẹo mè đen - trắng, kẹo chuối, kẹo mè dẻo,… trung bình cơ sở sản xuất 1,5 tấn kẹo đậu phộng/ngày và 5.000 cái bánh in. Vào thời điểm tết Trung thu cơ sở sản xuất thêm bánh trung thu các loại phục vụ người tiêu dùng, giải quyết việc làm từ 06 - 07 lao động, thu nhập 300.000 đồng/ngày/người.
Hoạt động hỗ trợ các đề án khuyến công và xúc tiến thương mại đã góp phần hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, DN cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Trong 06 tháng đầu năm đã nghiệm thu 04/11 đề án khuyến công với tổng kinh phí 1,45 tỷ đồng; hỗ trợ 09 lượt DN giới thiệu, cập nhật 27 loại sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đạt chứng nhận khác như: sản phẩm an toàn, VietGap, ISO lên sàn thương mại điện tử của tỉnh và liên kết với một số Sàn thương mại điện tử tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Lazada, Tiki, Droppii (mô hình kinh doanh tại nhà), Tiktok shop;…
Thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ các DN còn khó khăn sớm hoạt động ổn định, nhất là các DN chế biến, chế tạo, các DN có vốn đầu tư nước ngoài,... Tiếp tục mời gọi DN đăng ký làm chủ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp đã được thành lập. Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ nông, thủy, hải sản, góp phần cùng với ngành nông nghiệp tỉnh giải quyết đầu ra nông sản của nông dân khi đến vụ thu hoạch. Khuyến khích DN đổi mới mở rộng tiếp cận thị trường, ưu tiên lựa chọn hình thức kinh doanh, quảng bá sản phẩm trực tuyến; phát triển thương mại điện tử trên nền tảng internet và thiết bị di động. |
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.