24/01/2022 06:49
Qua 35 năm đổi mới, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, kinh tế đất nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Đời sống Nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm.
Năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khó khăn, thách thức gay gắt. Kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và tăng trưởng không vững chắc do tiếp tục xuất hiện các đợt dịch mới. Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đời sống Nhân dân. Nhưng nhờ vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tin tưởng, chia sẻ của các tầng lớp Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nước ta đã hoàn thành nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Đối với tỉnh Trà Vinh, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt từ khi tái lập tỉnh (5/1992) đến nay, kinh tế tỉnh nhà cũng có sự phát triển vượt bậc: Giá trị tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng bình quân hàng năm trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giá trị nông - lâm nghiệp - thủy sản từ 77,91% năm 1992 giảm còn 28,78% năm 2021, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 22,09% năm 1992 tăng lên 71,22% năm 2021; thu nhập bình quân đầu người năm 1992 khoảng 730.000 đồng/năm đã tăng lên 67,07 triệu đồng/năm vào năm 2021. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, các dịch bệnh truyền nhiễm được khống chế; giảm tỷ lệ trẻ dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng còn 5,3%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,65%; kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,8%, tỷ lệ hộ Khmer nghèo còn 1,71%; chính sách đối với người có công với cách mạng, chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt. Toàn tỉnh có 03 huyện: Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long được công nhận huyện NTM (huyện Châu Thành đang đề nghị Trung ương công nhận năm 2021), thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Cán bộ, hội viên phụ nữ ấp Bình Hội, xã Huyền Hội, huyện Càng Long chăm sóc tuyến đường hoa. Ảnh: KL
Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn mặn sớm, thiên tai, dịch bệnh trên đàn vật nuôi… những khó khăn trên đã ảnh hưởng toàn diện đến hầu hết các lĩnh vực, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng, nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, dân và quân trong tỉnh, tăng trưởng GRDP ước đạt 1,66%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 67,07 triệu đồng/năm, tăng 4,49 triệu đồng so với năm 2020.
Từ những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước trong 35 năm qua, của tỉnh nhà sau 30 năm tái lập, đặc biệt là năm 2021, chúng ta nhận thấy sự đóng góp rất quan trọng của công tác tư tưởng từ công tác lý luận đến công tác tuyên truyền, cổ động, công tác văn hóa, văn nghệ,… được thể hiện sinh động bằng những hoạt động có hiệu quả của đội ngũ những người làm công tác tư tưởng: Đội ngũ làm công tác nghiên cứu và giáo dục lý luận chính trị, đội ngũ tuyên truyền, cổ động thông qua các cơ quan thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, đội ngũ văn hóa, văn nghệ của cả nước và của tỉnh nhà.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã quyết định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và Kế hoạch kinh tế - xã hội 05 năm (2021 - 2025). Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XIII) đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Quán triệt Kết luận hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), từ kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021, mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là: Tập trung thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để ổn định đời sống Nhân dân, vừa phục hồi sản xuất trong tình hình mới; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 10 - 11% so với năm 2021; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; khai thác tốt, tiềm năng lợi thế kinh tế biển; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; phát triển văn hóa; quản lý tài nguyên, cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, bộ máy tinh gọn; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động, tích cực hợp tác, liên kết vùng và hội nhập quốc tế.
Thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đảng ta, thông qua công tác tư tưởng khơi dậy mạnh mẽ nhân tố tự giác, tích cực, chủ động trong mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức, mỗi doanh nghiệp và của mọi người dân. Tăng cường công tác tư tưởng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, cần nắm vững và thực hiện các giải pháp sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm tạo chuyển biến trong hành động, cần huy động lực lượng của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, lực lượng tiên phong là cấp ủy, đảng viên, lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách công tác tư tưởng. Cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện tác nghiệp theo hướng hiện đại để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ những người làm công tác tư tưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Hai là, tập trung tuyên truyền Kết luận hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) “về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022”, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tạo sự nhất trí trong nội bộ và sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân về những thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Gắn việc quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết năm 2022 với các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI như: Nghị quyết số 04-NQ/TU “về xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU về “tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình hành động số 13-CTr/TU về “phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2025”; Chương trình hành động số 14-CTr/TU về “nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2020 - 2025”; Chương trình hành động số 19-CTr/TU về “phát triển hạ tầng giao thông; khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp; đô thị và công nghệ thông tin tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 27-KH/TU về “công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay”…; những văn bản cụ thể hóa của HĐND, UBND tỉnh.
Với nhiệm vụ này, công tác tuyên truyền, giáo dục cần tiến hành thường xuyên, với nội dung phong phú, ngắn gọn, dưới nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện cụ thể ở mỗi địa phương, đơn vị. Cần nêu rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm của thành tựu và hạn chế trong thời gian qua, cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, qua đó, chuẩn bị tốt tinh thần, tư tưởng, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, huy động mọi nguồn lực, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ba là, công tác tư tưởng hướng mạnh vào việc cổ vũ, động viên phong trào “Thi đua yêu nước” trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để cổ vũ, động viên mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân đoàn kết thống nhất, nâng cao tính tự giác, tích cực, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công tác tư tưởng phải hướng mạnh về cơ sở, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bám sát những lĩnh vực mũi nhọn, trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, phát hiện những điển hình, nhân tố mới để cổ vũ, động viên mọi ngành, mọi nhà, mọi người cùng thi đua.
Bốn là, công tác tư tưởng cần đi trước, bám sát, đi cùng mỗi sự kiện, mỗi bước phát triển của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Việc đi trước thể hiện ở chỗ, từ kết quả phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh thời gian qua, cụ thể là năm 2021, tích cực thúc đẩy việc nghiên cứu, hoàn thiện những vấn đề lý luận, giải đáp một cách thuyết phục những vấn đề từ thực tiễn đặt ra, góp phần quan trọng vào việc sửa đổi, bổ sung, hoặc ban hành các cơ chế, chính sách mới thuộc thẩm quyền của địa phương để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Bám sát quá trình phát triển kinh tế - xã hội để kịp thời phát hiện, cổ vũ và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đổi mới, sáng tạo; thông qua thông tin hai chiều, dư luận xã hội, sớm phát hiện và kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, cho doanh nghiệp và người dân; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực.
Năm là, phối hợp chặt chẽ các binh chủng của công tác tư tưởng, gồm: các cơ quan thông tin đại chúng như: Báo Trà Vinh, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các trang tin của sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, Đài truyền thanh, Trạm truyền thanh, panô, khẩu hiệu, áp-phích... lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên; đội ngũ văn nghệ sĩ… Tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị tập trung, mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài và tăng thời lượng phát sóng truyền thanh, truyền hình về chủ đề phát triển kinh tế - xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Sáu là, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, duy trì các hội nghị báo cáo viên (cả trực tiếp và trực tuyến tùy trường hợp cụ thể) giúp cho đội ngũ những người làm công tác tư tưởng trên địa bàn tỉnh nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn của địa phương, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng; có năng lực công tác, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là những kiến thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để nâng tầm nhận thức. Cùng với những thông tin định hướng của cấp ủy, ban tuyên giáo các cấp, khả năng nắm bắt thông tin, qua đó xử lý, đưa ra những đánh giá đúng bản chất của các vấn đề, sự kiện diễn ra trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời, dự báo chính xác tình hình và tham mưu trúng, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo của tỉnh.
TRẦN BÌNH TRỌNG
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.