17/11/2020 07:02
Công ty Điện lực Trà Vinh đầu tư lưới điện đáp ứng nhu cầu nuôi tôm công nghiệp cho nông dân xã cù lao Hòa Minh, huyện Châu Thành.
Cử tri Nguyễn Văn Bình, ấp Tân Lập, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang phản ánh: đang sử dụng điện từ lưới hạ thế trạm Long Sơn 4 -180kVA, trạm biến áp thường xuyên bị bật cầu dao (CB), gây mất điện đột xuất ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản của gia đình và các hộ lân cận.
Nhận được kiến nghị, Công ty đã chỉ đạo Điện lực Cầu Ngang tổ chức thực hiện cấy trạm biến áp (3pha-100kVA), tách lưới sang tải lưới hạ thế trạm Long Sơn 4 vào ngày 29/5/2020, đảm bảo cấp điện ổn định cho khách hàng.
Cử tri Nguyễn Văn Nam, ấp La Bang Chợ, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải: năm 2004, ông Nam đầu tư đường dây nhánh rẽ khách hàng 3 pha đấu nối từ đường dây 3 pha hiện hữu hộ Trần Thị Đẹp để kéo về nhà sản xuất nước đá, qua quá trình sử dụng đường dây đã xuống cấp hư hỏng. Năm 2016, ông có đơn đề nghị bàn giao tài sản do ông đầu tư cho ngành điện quản lý bán điện không yêu cầu hoàn trả vốn, nhưng ngành điện không đồng ý tiếp nhận vì đường dây đã xuống cấp, không đảm bảo vận hành, nên năm 2018 ông đã đầu tư cải tạo đường dây 3 pha thuộc tài sản của mình, yêu cầu Điện lực tiếp nhận, bán điện theo hình thức không hoàn trả vốn. Nếu ngành Điện lực không tiếp nhận tài sản đường dây thì xem xét đầu tư mới đường dây 3 pha cấp điện cho ông và 10 hộ dân lân cận.
Tiếp nhận ý kiến của ông Nam, Công ty đã thương thảo, lập thủ tục bàn giao tiếp nhận tài sản đường dây hạ thế theo hình thức tăng, giảm tài sản không hoàn vốn và chịu trách nhiệm quản lý vận hành bảo dưỡng, sửa chữa đường dây khi hư hỏng sau khi hoàn tất thủ tục tiếp nhận.
Cử tri ấp An Định Cầu, xã Tân Bình, huyện Càng Long kiến nghị kéo tuyến đường điện từ nhà Năm Thơ đến nhà Năm Em vì hiện nay không có điện sinh hoạt. Công ty Điện lực Trà Vinh phối hợp cùng Ban Nhân dân ấp An Định Cầu khảo sát thực tế khu vực cư tri kiến nghị, ghi nhận có 04 hộ dân sinh sống rãi rác trên tuyến kênh Năm Thơ - Ba Dò, thuộc ấp An Định Cầu chưa có điện sử dụng. Các hộ dân sống cách xa lưới điện hạ thế trạm biến áp Tân Định 7 từ 800 - 1.100m, qua ước tính để cấp điện sinh hoạt cho 04 hộ dân đảm bảo chất lượng điện áp theo quy định, phải đầu tư xây dựng mới đường dây trung, hạ thế và trạm biến áp 1 pha, chi phí hơn 400 triệu đồng.
Với suất đầu tư cấp điện bằng lưới điện quốc gia rất lớn (100 triệu đồng/hộ) việc đầu tư sẽ không hiệu quả, Công ty đã đề nghị Sở Công thương và các cấp chính quyền địa phương thông báo, giải thích cho các hộ dân và cư tri ở đây rõ. Đồng thời, đã kiến nghị UBND huyện Càng Long xem xét hỗ trợ chi phí cho các hộ dân cấp điện bằng nguồn năng lượng mặt trời độc lập tại chỗ, với suất đầu tư khoảng 10 triệu đồng/hộ cho 440Wp, nhằm sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt cơ bản cho gia đình.
Tương tự, cử tri xã Long Sơn, Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang đề nghị kéo điện phục vụ sản xuất dọc theo đường bờ kênh T39. Nhận được kiến nghị, Công ty đã tổ chức khảo sát thực tế giữa Điện lực Cầu Ngang và UBND xã Long Sơn, khu vực cử tri kiến nghị nằm dọc theo kênh T39 thuộc ấp Huyền Đức, xã Long Sơn dài 3,9km, khu vực này dân cư thưa thớt (khoảng 04 hộ đang sử dụng điện câu đuôi) và sống không tập trung, chủ yếu làm ruộng, vào mùa khô chuyển sang trồng màu nên có nhu cầu sử dụng điện để tưới tiêu. Để cấp điện cho khu vực này, phải đầu tư 3,5km đường dây trung thế, 02km đường dây hạ thế và 01 trạm biến thế, vốn đầu tư ước khoảng 1,5 tỷ đồng. Do vốn đầu tư quá cao, không mang lại hiệu quả, Công ty đã đề nghị địa phương giải thích cho cử tri hiểu, chia sẻ với ngành điện.
08 hộ dân ấp Sóc Thác, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành: đề nghị kéo điện và giải quyết xoá hộ câu nối đuôi không an toàn.
Kết quả xác minh của khu vực 08 hộ dân đã có điện sử dụng qua điện kế chính do Điện lực thành phố Trà Vinh bán điện trực tiếp từ lưới hạ thế trạm Sóc Thác 2 (không phải hộ câu nối đuôi), kiểm tra chất lượng điện áp tại nhà khách hàng đều đảm bảo theo qui định, dây nhánh rẽ sau công tơ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tuy nhiên nhiều nhánh rẽ đi chung trụ, nhiều vị trí tàu dừa và cây xanh đè lên dây dẫn nên mất an toàn và không mỹ quan. Để việc sử dụng điện của khách hàng được an toàn, tiết kiệm hiệu quả, Công ty đã khuyến nghị khách hàng, thực hiện phát quang các nhánh tàu dừa, cây xanh đè lên dây dẫn và thuê đơn vị có chức năng căng kéo lại dây nhánh sau công tơ cho đảm bảo an toàn, mỹ quan.
Cử tri Võ Thành Đây, ấp Đầu Bờ, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành kiến nghị: kéo điện dọc đường đal phía sau chung cư Kỳ La cấp điện cho 04 hộ dân chưa có điện.
Khu vực này thuộc phạm vi quản lý bán điện của Điện lực thành phố Trà Vinh, các hộ dân sống cặp đường dal, khoảng cách từ nhà hộ dân đến lưới hạ thế (dự kiến đầu tư cải tạo, xây dựng mới năm 2020) thuộc trạm Khu tập thể Kỳ La 1 - 400kVA từ 200-500m. Công ty đã đưa vào kế hoạch xóa hộ câu phụ năm 2020 để cấp điện cho các hộ dân, công trình đã khởi công ngày 5/10/2020, dự kiến hoàn thành trong năm 2020.
Cử tri xã Hưng Mỹ và Phước Hảo, huyện Châu Thành đề nghị: sớm hạ thế đường điện 3 pha khu vực ấp Rạch Giữa, Bà Trầm, Ngãi Hiệp, xã Hưng Mỹ để giúp người dân sản xuất, sinh hoạt. Vì hiện nay nguồn điện không đủ cung cấp để phục vụ người dân sản xuất, sinh hoạt.
Kết quả khảo sát: đối với xã Hưng Mỹ, tại Ấp Rạch Giữa và ấp Bà Trầm, khu vực này các hộ dân đang nuôi tôm rãi rác dọc theo sông Cổ Chiên, đang được cấp điện từ đường dây trung thế 1 pha Ngãi Lợi và các trạm biến áp Ngãi Lợi 2, Ngãi Lợi 3, Ngãi Lợi 4, Ngãi Lợi 5, Rạch Giữa 1, các hộ dân tự đầu tư lưới điện hạ thế 1 pha đấu nối từ lưới điện hiện hữu để sử dụng (khoảng cách từ 200-250m).
Về lâu dài, Công ty đã lập kế hoạch đầu tư, nâng cấp lưới điện lên 3 pha giai đoạn 2021- 2025, báo cáo Tổng công ty Điện lực miền Nam vào tháng 5/2018 và Tổng công ty đã dự kiến bố trí vốn vay WB (DEP II) để thực hiện. Tuy nhiên, Tổng công ty đang gặp khó khăn việc tìm kiếm, cân đối nguồn vốn đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp, vì vậy Công ty đã báo cáo Sở Công thương xem xét hỗ trợ tham mưu UBND tỉnh ứng vốn (không tính lãi) cho ngành điện thực hiện đầu tư và trả dần từ 05 đến 10 năm.
Đối với ấp Ngãi Hiệp, khu vực cử tri kiến nghị đã được ngành điện đầu tư lưới điện (trạm Ngãi Hiệp 2 - 2x37,5kVA), kéo song song với đường đal mới xây dựng, các hộ dân đăng ký mua điện và đấu nối kéo điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất từ lưới điện nêu trên, chưa cần thiết đầu tư nâng cấp lưới điện hiện hữu do nhu cầu phụ tải còn thấp.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.