05/12/2022 14:03
Cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP ở điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim.
Khai thác thị trường, nâng giá trị sản phẩm OCOP
Toàn tỉnh hiện có 104 sản phẩm OCOP, các sản phẩm đạt chất lượng và được NTD ưa chuộng. Để hỗ trợ sản phẩm OCOP bắt nhịp thị trường và tiếp cận NTD nhiều hơn, sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, Sở Công thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại triển khai hỗ trợ xây dựng 03 cửa hàng kinh doanh tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, Khu du lịch biển Ba Động, Khu di tích Ao Bà Om nhằm phục vụ du khách tham quan các điểm du lịch của tỉnh. Qua đó, giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất từng bước mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng...
Thời gian gần đây, NTD đã hình thành thói quen lựa chọn sử dụng sản phẩm qua nhiều kênh giới thiệu, quảng bá trực tiếp và trực tuyến, đặc biệt chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Hoạt động của các cửa hàng này nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá rộng rãi và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và đặc sản của tỉnh. Qua đó, NTD có thể tìm kiếm và nắm bắt địa chỉ sản xuất sản phẩm uy tín, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời lan tỏa hơn việc sử dụng và tiêu dùng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của tỉnh. Qua khảo sát, các cửa hàng không chỉ tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, còn trưng bày bán sản phẩm của các tỉnh khác như An Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận… Các sản phẩm đều có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc giúp NTD tìm hiểu kỹ hơn về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Cửa hàng sản phẩm OCOP của ông Trì Văn Nghiệp tại Khu di tích Ao Bà Om, Phường 8, thành phố Trà Vinh hoạt động từ tháng 10/2022. Qua hơn 01 tháng hoạt động, cửa hàng tích cực tuyên truyền, quảng bá và bán 50 mặt hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Ông Nghiệp cho biết: thời gian gần đây, cửa hàng chỉ thu hút khoảng 40% lượng khách du lịch đến tham quan và mua sắm so với những ngày đầu mới hoạt động. Trung bình hàng ngày có 20 lượt khách du lịch đến cửa hàng tham quan mua sắm, vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật tăng lên 50 - 60 lượt khách/ngày. Nguyên nhân do cửa hàng chưa xây dựng trang web quảng bá sản phẩm; cửa hàng trưng bày cách xa bãi đậu xe nên giảm lượng khách đến cửa hàng. Không chỉ vậy, số lượng sản phẩm trưng bày tại cửa hàng giảm so với thời gian đầu hoạt động.
Hiện nay, cửa hàng chỉ trưng bày khoảng 30 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như kẹo dừa sáp, mật hoa dừa, rượu Xuân Thạnh, hạt điều, một số sản phẩm chế biến từ dầu dừa... Ngoài ra, cửa hàng còn liên kết trưng bày bán thêm một số mặt hàng ngoài tỉnh như mứt tắc, mứt chôm chôm, gạo lứt sấy, gạo lứt chà bông, cốm…
Thời gian tới, để cửa hàng hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả và thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan mua sắm, ngoài việc đề nghị về xây dựng thêm không gian mô hình thu nhỏ để trưng bày phẩm vật cổ đại và hiện đại mang tính chất của địa phương. Đồng thời cải tạo lại cửa hàng và một số cơ sở vật chất không chỉ bảo quản chất lượng các sản phẩm, còn quảng bá, kinh doanh thêm mặt hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: tôm cá khô và hàng thủ công mỹ nghệ.
Liên kết sản xuất sản phẩm đặc trưng, vùng miền của địa phương
Khác với cửa hàng của ông Nghiệp, hơn 01 tháng nay, việc quảng bá, kinh doanh mặt hàng sản phẩm OCOP của bà Nguyễn Thị Nhách, chủ cửa hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành chậm hơn so với trước.
Bà Nhách cho biết: cửa hàng hoạt động từ tháng 4/2022 với 42 sản phẩm trưng bày, quảng bá tại cửa hàng. Tuy nhiên sức mua hiện nay đã chậm hơn so với trước, hơn 01 tháng nay, cửa hàng quảng bá và kinh doanh khoảng 30 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Phần lớn khách du lịch đến tham quan nhiều, mua sắm ít, nguyên do một số trường hợp khách du lịch với suy nghĩ sản phẩm OCOP có mặt khắp mọi nơi trong và ngoài tỉnh và trong hệ thống siêu thị.
Hiện nay khách du lịch tham quan trực tiếp ở điểm du lịch có xu hướng ưa chuộng thưởng thức tại chỗ những món ăn được chế biến từ sản phẩm đặc trưng và vùng miền của địa phương nên số lượng mua sản phẩm OCOP mang về giảm. Chính vì thế, để khai thác tiềm năng và lợi thế các sản phẩm của địa phương, các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cần nghiên cứu, khai thác, mở rộng sản xuất ngành hàng gắn với sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan cửa hàng, nâng cao chất lượng quảng bá và kinh doanh sản phẩm OCOP.
Theo đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương, đến nay các cửa hàng hoạt động khá hiệu quả, tạo được niềm tin tích cực với du khách. Phần lớn các cửa hàng trưng bày và giới thiệu khách tham quan về các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm thủ công mỹ nghệ với hơn 72 loại sản phẩm của 30 DN. Trong đó có 18 DN có sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao; 12 DN có sản phẩm đạt chứng nhận công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực, cấp quốc gia,… lượng khách đến tham quan bình quân 1.000 lượt/ngày. Đây là nơi giúp các DN, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc sản của tỉnh đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường. Qua đó, giúp cho các cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh tăng thêm lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh, giúp khách tham quan du lịch an tâm khi sử dụng các sản phẩm đạt chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và cùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Để nâng cao sức tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Sở Công thương tiếp tục tổ chức tuyên truyền quảng bá sản phẩm trên trang website, thương mại điện tử... Hỗ trợ các cơ sở, hộ kinh doanh, DN, hợp tác xã có sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tham gia chương trình kết nối giao thương, hội chợ, phiên chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu, chào hàng, bán hàng nhằm xây dựng hình ảnh, thương hiệu đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghiệp, nâng cao mức sống người dân.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.