30/12/2022 15:57
Xây dựng người nông dân có tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết để làm chủ và đảm nhận vai trò chủ thể của mình trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới (trong ảnh: nông dân xã Phương Thạnh, huyện Càng Long trồng cây thanh long dưới chân ruộng).
Năm 2010, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn; thời điểm đó, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM được xem là nhiệm vụ trọng tâm, là thời cơ, là động lực để huyện tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Xác định được vai trò, ý nghĩa của việc XDNTM, Ban Thường vụ Huyện ủy Càng Long đề ra mục tiêu rõ ràng, cụ thể qua từng giai đoạn để tổ chức thực hiện.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân, đến nay, qua hơn 10 năm XDNTM huyện có một bước tiến dài trong phát triển kinh tế - xã hội: tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm giai đoạn 2010 - 2015 đạt 9,3%/năm; giai đoạn 2015 - 2020 đạt 11,03%/năm; năm 2021 mặc dù chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng của huyện vẫn đạt mức cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 60 triệu đồng, tăng 49,5 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,16%; huyện tập trung huy động mọi nguồn lực với nguồn vốn trên 2.127 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ doanh nghiệp trên 25 tỷ đồng, vốn cộng đồng dân cư trên 195 tỷ đồng để đầu tư XDNTM, trong đó xây dựng được 13 tuyến đường liên xã với chiều dài 158,7km, nhựa hóa 100%; nhựa hóa, bê-tông hóa 192,8km đường trục ấp, liên ấp, trên 212km đường ngõ xóm; đal hóa 97,3km đường trục chính nội đồng, giao thông của huyện đảm bảo cho Nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.
Đến nay, toàn huyện Càng Long có 27.898 hộ gia đình văn hóa, nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 86,43% so với tổng số hộ; 107/111 ấp nông thôn mới, đạt 96,39%; 10 ấp nông thôn mới kiểu mẫu; 13/13 xã nông thôn mới; 05/13 xã nông thôn mới nâng cao; huyện vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2020; đồng thời huyện đang đặt mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Ông Lê Văn Tộ, ấp Số 5, xã Mỹ Cẩm cho biết: thấy sự đổi thay từng ngày trên quê hương Mỹ Cẩm nói riêng, huyện Càng Long nói chung, tôi rất phấn khởi. Tham gia XDNTM trong những năm qua, người dân tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, các phong trào thi đua phát triển kinh tế; tự giác thực hiện các phần việc do Nhân dân làm, tự nguyện tham gia đóng góp tiền, vật chất, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn, ao, khuôn viên, giữ gìn an ninh trật tự… Bản thân rất đồng tình với chủ trương, mục tiêu của huyện và tin tưởng huyện sẽ xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, đòi hỏi phải đảm bảo nhiều yếu tố. Đồng chí Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long cho biết: thứ nhất là về yếu tố con người. Huyện xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM, do vậy phải phát huy tối đa sức mạnh của Nhân dân nhằm sử dụng hiệu quả nội lực tại chỗ để thúc đẩy tiến trình XDNTM; xây dựng người nông dân có tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để làm chủ và đảm nhận vai trò chủ thể của mình trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới.
Cùng với đó, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị; nâng cao năng lực, trách nhiệm, đổi mới phương thức quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trong chỉ đạo, triển khai XDNTM, trên cơ sở thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực, trình độ, ý thức tự lực tự cường, tinh thần sẵn sàng làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên đoàn thể các cấp; đồng thời bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa địa phương với các sở, ngành tỉnh, với các doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân… để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Yếu tố thứ hai là vốn. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, huyện dự kiến cần nguồn vốn khoảng 3.645 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trực tiếp xây dựng Chương trình là khoảng 125 tỷ đồng, vốn lồng ghép khoảng 570 tỷ đồng, vốn tín dụng khoảng 2.800 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp khoảng 150 tỷ đồng. Do vậy, phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, tranh thủ nguồn bổ sung từ tỉnh để thực hiện Chương trình; chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ cho vay phát triển Chương trình OCOP, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong các chương trình tín dụng chính sách hiện có; khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương thực hiện XDNTM; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp XDNTM theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể. Hiện, huyện đã xây dựng kế hoạch vốn trình tỉnh xem xét, hỗ trợ; đồng thời triển khai các giải pháp huy động, bố trí các nguồn vốn để từng bước hoàn thành các mục tiêu, nhiêm vụ theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, yếu tố về cơ chế, chính sách rất quan trọng. Việc triển khai thực hiện các tiêu chí trên cơ sở các cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành, quá trình triển khai thực hiện bám theo hướng dẫn của Trung ương, các sở, ngành tỉnh; đồng thời thường xuyên rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo sự đồng bộ trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.