16/10/2023 16:14
Sản phẩm gạo đóng gói được Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ rau sạch liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp tham gia cung ứng chuỗi hàng hóa với giá bình ổn.
Thực hiện Quyết định số 985/QĐ-UBND, ngày 27/6/2023 của UBND tỉnh về Kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2023 và tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024; Chương trình năm nay được thực hiện theo hướng xã hội hóa và đã triển khai đến các đơn vị, doanh nghiệp tham gia với lượng hàng hóa phục vụ bình ổn phong phú, dồi dào và đa dạng thông qua các điểm bán hàng bình ổn của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh: Sở đã phối hợp và chỉ đạo các đơn vị liên qua triển khai kết hợp vào Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và tết Nguyên đán năm 2024 tập trung dự trữ tại các huyện với các mặt hàng thiết yếu như: gạo; thực phẩm; thịt; hàng tiêu dùng: dầu ăn, đường,.. góp phần đảm bảo nhu cầu của người dân trên toàn tỉnh trong dịp cuối năm 2023 và tết Nguyên đán 2024.
Riêng Chương trình bình ổn giá có 06 đơn vị, doanh nghiệp tham gia (Công ty Lương thực Trà Vinh; Công ty TNHH TM-DV Đức Hưng; Công ty TNHH MTV Thương mại vận tải Trường Anh; Công ty TNHH MTV Mai Ninh; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Hoàng Đông; Hộ kinh doanh Bảy Thanh) và 05 Siêu thị (Co.opmart Trà Vinh; Co.opmart Tiểu Cần; Co.opmart Duyên Hải; Siêu thị Go! Trà Vinh; VinMart) cùng 05 điểm bán hàng của các cửa hàng Bách Hóa Xanh (Trà Cú 02 điểm; Tiểu Cần 01 điểm; huyện Duyên Hải 01; Cầu Kè 01 điểm) 08 cửa hàng VinMart+ trên địa bàn thành phố Trà Vinh; với tổng trị giá hàng hóa ước trên 7.339 tỷ đồng .
Chương bình bình ổn thị trường với các nhóm mặt hàng như: lương thực, thực phẩm (có 10 mặt hàng): gạo; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì ăn liền, cháo ăn liền…); đường (RE, RS); dầu ăn; thịt gia súc, gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau, củ, quả; thủy, hải sản (chế biến và tươi sống). Nhóm mặt hàng sữa: gồm tất cả sản phẩm sữa nước và sữa bột. Nhóm chất đốt: khí dầu mỏ hóa lỏng (gas). Hàng hóa bình ổn sẽ được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh thông qua các kênh như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các điểm bán hàng bình ổn của các đơn vị doanh nghiệp tham gia chương trình và hơn 38 điểm bán hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử và fanpage…
Song song đó, tại các địa phương trong tỉnh sẽ tổ chức các chuyến bán hàng Việt; Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức 04 Phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Châu Thành, huyện Càng Long, xã Long Đức (thành phố Trà Vinh)… Trong công tác xúc tiến thương mại, Sở Công thương Trà Vinh đã chủ động phối hợp triển khai chương trình hợp tác giữa tỉnh Trà Vinh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long về liên kết tiêu thụ hàng hóa, tăng cường hỗ trợ hàng hóa trong công tác bình ổn thị trường.
Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ rau sạch (Long Đức, thành phố Trà Vinh) cho biết: hiện nay, các mặt hàng nông sản đều có sự tăng nhẹ, đặc biệt là gạo tăng khá cao (trên 15%). Đối với doanh nghiệp, vẫn đảm bảo việc cung ứng hàng hóa trong chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân; không để thiếu và sốt các mặt hàng nông sản. Đối với gạo, doanh nghiệp ký kết với 01 doanh nghiệp ở xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú) đảm bảo nguồn cung khoảng 100 tấn gạo thành phẩm (túi 02kg, 05kg, 10kg) và doanh nghiệp chỉ tăng giá khi giá gạo ngoài thị trường tăng trên 15%.
Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm cũng được Sở Công thương tập trung triển khai quyết liệt, nhằm góp phần ngăn chặn, phòng chống hàng gian, hàng giả, kém chất lượng cũng như công tác đảm bảo an toàn thực phẩm…
Cũng theo đồng chí Phạm Phước Trãi, Sở Công thương (với vai trò Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Trà Vinh) đã phối hợp với Cục Quản lý Thị trường tỉnh Trà Vinh và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nhiệm vụ: tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật; vận động người dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này. Duy trì hoạt động đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Trà Vinh về tiếp nhận thông tin tố giác của quần chúng nhân dân về hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác phối hợp, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả cao trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.
Thực hiện tốt công tác bám sát địa bàn, nắm chắc phương thức hoạt động của các đối tượng kinh doanh trái pháp luật, để chủ động phối hợp với các lực lượng có liên quan đấu tranh có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trong đó cần đặc biệt chú ý đến các vi phạm liên quan đến sản xuất buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.