05/09/2021 13:11
Xã Hiếu Tử có tổng diện tích đất tự nhiên trên 2.645ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trên 2.345ha. Giá trị nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ kinh tế của xã. Năm 2015, thu nhập bình quân đạt 31 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17,5%.
Giai đoạn 2015 - 2020, xã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là chuyển đổi sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật tiên tiến, chọn cây, con giống mới có chất lượng, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, cùng với chỉ đạo tốt giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, phát động đăng ký lao động làm việc ở nước ngoài, ở các khu công nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển giải quyết lao động tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Thực hiện tốt công tác rà soát, điều tra phân loại từng hộ nghèo, có kế hoạch đầu tư vốn cho các hộ có điều kiện thoát nghèo, đồng thời phân công các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương phụ trách hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo trong quá trình sản xuất... đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,73%.
Giai đoạn 2015 - 2020 và 08 tháng đầu năm 2021, xã Hiếu Tử chuyển đổi từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác được trên 10ha. Qua các cuộc hội thảo về trồng trọt, chăn nuôi do ngành chuyên môn tổ chức, nông dân áp dụng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lợi nhuận tăng từ 1,5 - 02 lần so với trước khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất.
Việc triển khai xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng đúng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo theo khung lịch thời vụ được xã quan tâm. Đặc biệt là hình thành mô hình cánh đồng lớn (CĐL) lúa trong sản xuất, diện tích 315ha tại Ấp Chợ, Lò Ngò, Ô Đùng, có 350 hộ dân tham gia, năng lúa lúa tại CĐL cao hơn so với ruộng ngoài mô hình trung bình khoảng 0,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm từ 04 - 05 triệu đồng/ha. Xã còn xây dựng được 01 mô hình sản xuất lúa sử dụng phân hữu cơ vi sinh, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm được 11ha, có 07 hộ tham gia, năng suất bình quân của mô hình đạt 6,8 tấn/ha, giá bán cao hơn từ 3.000-4.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình 25 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Khởi phấn khởi vì mô hình trồng chuyên canh giống dừa xiêm Malaysia hiệu quả.
Ông Trần Văn Khởi, ngụ ấp Tân Đại, cho biết: thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất do chi bộ ấp phát động, vừa qua gia đình tôi chuyển đổi 0,5ha đất lúa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng chuyên canh giống dừa xiêm Malaysia, hiện vườn dừa đang cho trái, thương lái mua với giá 60.000 - 70.000 đồng/chục (12 trái) dừa tươi, với giá này, lợi nhuận 100 triệu đồng/0,5ha/năm. Ngoài ra, ông Khởi còn tận dụng đất trống trồng chanh xen trong vườn dừa để tăng thêm nguồn thu nhập.
Ông Huỳnh Minh Kiệm, ngụ ấp Lò Ngò, chia sẻ: gia đình tôi có 02ha tham gia CĐL lúa của xã. Khi tham gia CĐL, nông dân giảm được lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm số lần phun và lượng phun thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, năng suất cao hơn 0,5 tấn/ha, chi phí giảm 15 - 20% so với sản xuất lúa bình thường, lợi nhuận của người dân trong CĐL cao hơn từ 04 - 05 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình.
Ông Huỳnh Minh Chí cho biết thêm: trong thời gian tới, xã xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả; chú trọng xây dựng, nhân rộng những mô hình cây, con có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, Đảng ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhất là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng tích cực, hiệu quả, bảo đảm tính bền vững, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa; tập trung chỉ đạo chuyển đổi vườn tạp, diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu và các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, nhất là khai thác tốt diện tích đất giồng cát, phát triển mô hình trồng màu trong nhà màng có ứng dụng công nghệ tiên tiến. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; tạo điều kiện hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, tăng thu nhập cho thành viên. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; chuyển dần từ lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và các ngành nghề lao động nông thôn. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân nâng cao kiến thức ứng dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông sản an toàn vệ sinh thực phẩm.
Có thể nói, hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua ở xã Hiếu Tử đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đời sống người dân từng bước được nâng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.