20/12/2023 07:23
Bà Nguyễn Thị Chịnh, vợ ông Thêm vận hành máy cán bánh phòng mì.
Theo đồng chí Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang: những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện có sức lan tỏa. Các địa phương quan tâm, khai thác các nguồn tài nguyên địa phương, sản phẩm đặc trưng của địa phương, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm nên từng bước hình thành các sản phẩm đặc trưng. Đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, huyện đã đề nghị 03 sản phẩm để công nhận đạt chuẩn 4 sao.
Các sản phẩm OCOP nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ,… được công nhận đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì bảo đảm điều kiện, quy định nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Nhờ đó, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đã có chiều hướng tăng, các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP từng bước củng cố, phát triển.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm OCOP sau khi đạt chứng nhận vẫn chưa có sự phát triển đột phá, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Bên cạnh đó, một số chủ thể cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong sản xuất như: hướng dẫn quy trình thực hiện các bước VietGAP, nhãn hiệu sản phẩm, cũng như kết nối để đưa sản phẩm tiêu thụ tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, nhưng hiệu quả mang lại chưa đạt như kỳ vọng.
Quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, bao bì, nhãn mác đơn giản, sản phẩm hàng hóa chưa phong phú,… Một số người dân chưa nhận thức lợi ích, ý nghĩa của chương trình, ngại làm các hồ sơ, thủ tục tham gia chương trình; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo điều kiện để người dân tham gia chương trình OCOP… Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, giá nguyên, phụ liệu tăng, dẫn đến chi phí sản xuất tăng...
Cơ sở sản xuất bánh phòng mì của hộ kinh doanh Cao Văn Thêm, Khóm 2, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ theo phương pháp truyền thống, nay ông Thêm đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị như nhà sấy, máy cán bánh, với tổng kinh phí 320 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh hỗ trợ 110 triệu đồng. Từ đó, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông thêm cho biết: mặc dù đạt chuẩn OCOP 3 sao nhưng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường vẫn gặp khó khăn. Đầu năm 2023, sản phẩm bánh phòng mì sữa của cơ sở được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao với kỳ vọng sẽ mở ra hướng tiêu thụ mới, nhưng số lượng tiêu thụ hạn chế, hiện sản phẩm chỉ bán lẻ ở địa phương và bỏ mối cho khách hàng ở chợ Trà Vinh. Do sản xuất nhỏ lẻ, theo mùa vụ, nên số lượng sản phẩm chưa ổn định, chủ yếu tiêu thụ trực tiếp bán lẻ. Hàng tháng cơ sở sản xuất khoảng 15 ngày, giải quyết 04 lao động, bình quân khoảng 300 cái bánh phòng mì sữa và bánh phòng nếp/ngày, tương đương với 15kg nguyên liệu nếp sáp, nước cốt dừa, sữa, đường, mì.
Ông Thêm bộc bạch: hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại bánh ngọt, nên đầu ra bánh phòng của cơ sở còn nhiều trở ngại. Khó khăn hiện nay của cơ sở, sản phẩm bánh phòng đăng ký nhãn hiệu 03 năm nay mà chưa nhận được quyết định. Mặt khác, sản phẩm OCOP đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó việc đảm bảo nhãn hiệu đúng quy cách đóng gói nên đẩy chi phí sản xuất tăng lên cao.
Cụ thể, cơ sở phải in nhãn hiệu một lần 10.000 cái, mới được đáp ứng yêu cầu, giá in nhãn hiệu bình quân 2.000 đồng/cái, trong khi nguồn vốn chủ động trong sản xuất còn khó khăn. Vì thế, cơ sở đề nghị các ngành, các cấp quan tâm tạo điều kiện cho cơ sở đồng bộ trang thiết bị trong sản xuất và thuận lợi trong việc in ấn nhãn hiệu, giúp cơ sở đẩy mạnh sản xuất, tìm đầu ra sản phẩm.
Để tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, thời gian qua, huyện triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đặc biệt là tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP có mặt tại các gian hàng trưng bày thông qua các chương trình hội chợ, hội thảo, diễn đàn, xúc tiến thương mại. Đồng thời, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quảng bá kinh doanh, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, tăng cường sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử. Xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích chủ thể mạnh dạn tham gia chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia OCOP tập trung các giải pháp chuẩn hóa, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sản phẩm, chủ động đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường để kích cầu tiêu dùng.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.