12/07/2021 14:00
Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: theo kế hoạch năm 2021, tỉnh đưa 900 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở thị trường các nước: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Thời gian qua xuất khẩu lao động góp phần giúp nhiều hộ nghèo vươn lên thoát nghèo có cuộc sống ổn định, nên công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài từng bước phát huy hiệu quả. Các trường hợp vay vốn và có thỏa thuận giữa người lao động với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động và ngân hàng thì hàng tháng DN sẽ thu một phần của người lao động để thanh toán tiền vay với ngân hàng.
Đối với các gia đình có con đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì đời sống gia đình từng bước thay đổi, cuộc sống ổn định, sau khi về nước người lao động tiếp tục làm việc cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài với thu nhập cao.
Do tác động của dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do các thị trường lao động còn đóng cửa. Bên cạnh đó, tình hình giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng do số lượng công nhân bị cắt giảm lao động tại Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người lao động và áp lực trong việc tìm kiếm việc làm và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện tỉnh còn 400 lao động đã qua lớp đào tạo nhưng chưa xuất cảnh. Chính vì vậy, số lao động còn lại tiếp tục được đào tạo, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, các đơn vị xuất khẩu lao động đã kéo dài thời gian đào tạo nhằm nâng cao trình độ tay nghề và ngoại ngữ của lao động. Ngoài ra, tỉnh tạo điều kiện cho các đơn vị xuất khẩu lao động tiếp tục tư vấn, đào tạo lao động bằng hình thực gián tiếp trên mạng xã hội hoặc trực tuyến nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo nguồn lao động sẵn sàng khi dịch bệnh được kiểm soát đưa đi xuất khẩu lao động.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Trà Vinh tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến với 03 tỉnh: Bến Tre, Bình Dương và Cần Thơ, có 12 đơn vị DN dự và tư vấn cho 120 lao động; tổ chức 07 phiên giao dịch, hội thảo việc làm và phiên giao dịch trực tuyến cho 529 quân nhân xuất ngũ và lao động; tư vấn cho 55.500 lượt lao động nhu cầu tìm việc làm, trong đó có 46.500 lượt lao động thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp, tạo việc làm mới cho 15.384 lao động, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 9.200 hồ sơ với số tiền chi trả 150 tỷ đồng.
Song song đó, tỉnh phối hợp với các đơn vị xuất khẩu lao động tổ chức 05 lớp đào tạo tiếng Nhật cho 65 học viên có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài; tuyển sinh đào tạo nghề cho 5.066 lượt người. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát hành văn bản yêu cầu cấp huyện thực hiện rà soát, nắm tình hình các cơ sở sản xuất gia công có sử dụng nhiều lao động nhằm chấn chỉnh việc thực hiện pháp luật lao động; chỉ đạo rà soát nhu cầu hỗ trợ đào tạo cho lao động đang làm việc trong DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh theo chính sách hỗ trợ đào tạo quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH.
Theo ông Dương Quang Ngọc, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động có thời hạn ở nước ngoài; quản lý chặt chẽ lao động là người nước ngoài làm việc tại tỉnh Trà Vinh; thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động làm việc ở nước ngoài theo Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND, ngày 09/11/2020 của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định về chính sách hỗ trợ người lao động, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, tư vấn giới thiệu việc làm, đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng, đào tạo cung ứng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; kiểm tra 20 DN trên địa bàn tỉnh về tình hình sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, Trà Vinh đưa 4.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó 50% lao động đã được đào tạo nghề và hỗ trợ không hoàn lại cho 4.000 lao động tham gia chương trình xuất khẩu lao động, góp phần không có lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài; tạo việc làm ổn định cho lao động sau khi về nước, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của nước ngoài để phát triển kinh tế ở địa phương; tạo điều kiện cho 1.000 lao động sau khi về nước thành lập DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, ổn định và phát triển lâu dài.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động đối với các DN, nhà thầu có sử dụng lao động là người nước ngoài; thăm DN nắm tình hình tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động; tiếp tục thẩm định hồ sơ cấp phép lao động cho lao động là người nước ngoài. Đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đạt chỉ tiêu đăng ký; phối hợp cấp huyện kiểm tra, giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thẩm định hồ sơ đăng ký đào tạo nghề cho các DN có nhu cầu đào tạo lao động; triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động theo kế hoạch của UBND tỉnh ban hành.
MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.