18/05/2022 14:38
Tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Trà Vinh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Ban Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, các thành viên Hội đồng quản trị; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Trà Vinh.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 933/KH-NHCS triển khai thực hiện. Đến ngày 17/5/2022, hệ thống Ngân hàng CSXH cả nước đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 11 đạt trên 2.335 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hỗ trợ tạo việc làm 2.033 tỷ đồng, với gần 40.000 khách hàng được vay vốn; giải quyết tạo việc làm cho trên 58.000 lao động; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến gần 155 tỷ đồng, với 14.500 khách hàng để mua 15.560 máy tính và thiết bị học trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở 140 tỷ đồng, với 794 khách hàng; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 7,6 tỷ đồng, với 90 cơ sở vay vốn.
Hội nghị đã dành phần lớn thời gian để lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố phát biểu chia sẻ những kinh nghiệm, cũng như báo cáo những thuận lợi và khó khăn trong quá trinh giải ngân thực hiện các chương trình với Chính phủ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn phát biểu tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Trà Vinh.
Tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn đã phát biểu báo cáo với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về kết quả thực hiện Nghị quyết số. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Trà Vinh đã nhận được chỉ tiêu của Trung ương giao vốn thực hiện 05 chương trình tín dụng chính sách là 197,5 tỷ đồng, gồm các chương trình: (1) cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 40 tỷ đồng; (2) cho vay nhà ở xã hội là 100 tỷ đồng; (3) cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 05 tỷ đồng; (4) cho vay chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025 là 50 tỷ đồng; (5) cho vay cơ sở giáo dục mần non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19 là 2,5 tỷ đồng. Đến ngày 15/5, Trà Vinh đã giải ngân 05 chương trình tín dụng chính sách là 29,5/197,5 tỷ đồng.
Với những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình tín dụng chính sách góp phần phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11. Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu cũng như tiến độ, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tập trung chỉ đạo Ngân hàng CSXH phối hợp với các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cho vay để mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách.
Đồng thời, hệ thống Ngân hàng tập trung giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách đã được phân bổ; cơ bản đến tháng 6/2022 hoàn thành 02 chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến.
Các tỉnh, thành cần xem đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ chính trị được giao; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý điều hành của chính quyền và phát huy vai trò của các đoàn thể trong giải ngân vốn chính sách hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.
Tin, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.