31/07/2024 11:16
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn
Thông báo nêu rõ, quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là chính sách rất quan trọng để huy động nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện cho nhà nước, nhất là việc phát triển điện năng lượng tái tạo có hệ thống lưu trữ là cơ sở quan trọng để sớm điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện, giảm nguồn điện sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định này, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, phù hợp khi Nghị định được ban hành đi vào thực tiễn, hiệu quả, tuyệt đối không để sơ hở, trục lợi chính sách, tạo cơ chế xin-cho, đề nghị Bộ Công Thương:
Hoàn thiện khái niệm "tự sản, tự tiêu" đối với điện mặt trời mái nhà, trong đó bổ sung tỷ lệ bán lượng điện dư để làm rõ hơn nội hàm điện mặt trời tự sản, tự tiêu, lượng điện sản xuất được tiêu thụ 90% tổng công suất và được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất; Nghiên cứu, căn cứ cơ sở thực tiễn của nguồn điện, cơ cấu các nguồn điện theo đặc thù của từng vùng miền để có chính sách khuyến khích, huy động điện mặt trời đối với từng khu vực, vùng miền phù hợp, theo đó nghiên cứu, tính toán các cơ sở hợp lý, khoa học để quy định tỷ lệ bán điện dư lên lưới theo hướng khu vực miền Bắc được bán lên lưới lượng điện dư là 20% tổng công suất; khu vực miền Trung và miền Nam được bán lên lưới lượng điện dư là 10% tổng công suất. Xác định cơ cấu công suất điện áp mái mặt trời khu vực phía Bắc cần ưu tiên cao hơn các khu vực khác (do tỷ lệ khu vực phía Bắc huy động còn thấp, phụ tải cao có thể huy động cao hơn).
Đồng thời, Bộ Công Thương cần làm rõ quy định về điện đấu nối lên lưới điện quốc gia và điện không đấu nối: Đối với điện mặt trời mái nhà không đấu nối lên hệ thống điện quốc gia sẽ không giới hạn công suất, đồng thời phải đơn giản tối đa thủ tục đăng ký, thời gian giải quyết đối với hình thức này. Đối với điện đấu nối lên hệ thống điện quốc gia cân nhắc để người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ đầu tư hệ thống pin mặt trời để sử dụng được áp dụng bình đẳng như nhau trong Nghị định này.
Về giá điện: Bộ Công Thương nghiên cứu thêm giải pháp lượng điện dư phát lên lưới mà EVN mua thì có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN hoặc giá điện dư thì EVN có thể mua theo giá thị trường tại thời điểm giá điện thấp nhất được chào trên thị trường điện. Tại Nghị định quy định nguyên tắc về giá điện, giá cụ thể sẽ do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Điện lực.
Về quy trình, thủ tục: Bộ Công Thương chủ trì, làm việc ngay với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà soát các thủ tục hành chính theo pháp luật liên quan, nghiên cứu cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục đối với các công trình hiện hữu; tham chiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn khi lắp đặt các công trình điện, trong đó có điện mặt trời mái nhà.
Về chính sách ưu đãi: Bộ Công Thương nghiên cứu bổ sung thêm các chính sách ưu đãi đối với trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng thì có tính chất như nguồn điện nền nên không giới hạn, có thể mua 100% công suất điện dư và có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt…
Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Thành viên Chính phủ về tỷ lệ điện bán lên lưới điện quốc gia: quy định khu vực miền Bắc được bán lên lưới lượng điện dư là 20% tổng công suất; Khu vực miền Trung và miền Nam được bán lên lưới lượng điện dư là 10% tổng công suất; Quy định việc tính toán, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để tăng thêm quy mô công suất nguồn điện mặt trời mái nhà khi đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, chi phí giá thành và an toàn hệ thống; Quy định đơn giản, cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục đối với các công trình hiện hữu.
Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi
Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có đề cập đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam. Thực hiện các chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, nghiên cứu việc giao các Tập đoàn kinh tế nhà nước (PVN, EVN) hoặc Bộ Quốc phòng triển khai các dự án thí điểm.
Các đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ như: PVN cho biết đang triển khai nghiên cứu thực hiện dự án điện gió ngoài khơi và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao khu vực biển để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên trên biển (trong đó có đánh giá tiềm năng năng lượng gió và các loại năng lượng tái tạo khác trên biển); EVN cũng sẵn sàng thực hiện việc nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy điện gió ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ.
Do đó, đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp chặt chẽ với PVN, EVN thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 42/TB-VPCP ngày 5 tháng 2 năm 2024, Thông báo số 117/TB-VPCP, ngày 25/3/2021, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, trong đó có đối tượng, phạm vi là các dự án thí điểm cụ thể, rõ ràng; các nội dung cần phải thực hiện từ khảo sát, chủ trương đầu tư đến thực hiện, hoàn thành đưa dự án vào vận hành khai thác, cơ quan thực hiện, thời gian hoàn thành; các nội dung vướng mắc do chưa có quy định của pháp luật, do pháp luật chưa rõ hoặc chồng chéo, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết để thực hiện thí điểm.
Đồng thời soát kỹ các quy định pháp luật hiện hành (Luật Điện lực, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Biển Việt Nam…), các vướng mắc đối với Đề án nêu trên, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Báo Trà Vinh Online
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.