11/06/2023 06:57
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh với Bộ Công thương.
Tham dự cùng đoàn, có đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương…
Làm việc với đoàn, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương; lãnh đạo các Cục, Viện… trực thuộc Bộ Công thương.
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công thương, đồng chí Lê Văn Hẳn giới thiệu khái quát về tiềm năng và thế mạnh của Trà Vinh; đặc biệt là kinh tế biển; do đó, Trà Vinh xác định cần tập trung đầu tư các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải biển (gắn với hậu cần, logistics), dịch vụ biển gắn với sinh thái và phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt với bờ biển dài, thềm lục địa nông sâu khác nhau rất thuận tiện cho việc đầu tư điện gió trong bờ và ngoài khơi.
Theo Quyết định số 13309/QĐ-BCT, ngày 04/12/2015 của Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030; Quyết định số 1940/QĐ-BCT, ngày 19/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến 2035. Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV và danh mục các dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh tại Công văn số 795/TTg-CN, ngày 25/6/2020, tỉnh Trà Vinh có 09 dự án điện gió, tổng công suất 666MW, 01 dự án điện sinh khối công suất 25MW; đến tháng 6/2023, sản lượng năng lượng sản xuất điện của tỉnh ứng với tổng công suất lắp đặt của nguồn điện 4.987MW, tổng sản lượng sản xuất tương đương 11,15 tỷ kilowatt giờ.
Về Nhiệt điện, Trà Vinh có Trung tâm Điện lực Duyên Hải, tổng công suất 4.498MW (gồm: Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, công suất 1.245MW; Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, công suất 1.245MW; Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, công suất 688MW; Nhà máy Nhiệt điện BOT Duyên Hải 2, công suất 1.320MW) đã đưa vào vận hành thương mại và hệ thống đường dây đảm bảo truyền tải điện (01 đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho; 03 đường dây 220kV, đường dây 220kV Duyên Hải - Trà Vinh; Duyên Hải - Mỏ Cày; đường dây 220kV Vĩnh Long - Trà Vinh) có vai trò bảo đảm cung cấp điện ổn định cho khu vực miền Nam và tỉnh Trà Vinh, đóng góp nguồn vốn ngân sách rất lớn, góp phần quan trọng để tỉnh Trà Vinh tự cân đối ngân sách địa phương, tạo lợi thế để thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Định An.
Về điện mặt trời, tỉnh có dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh (điện mặt trời nối lưới), công suất 165MWp, vận hành thương mại ngày 28/6/2019, tổng sản lượng phát điện 232,33 triệu kilowatt giờ.
Về điện gió, tỉnh có 05 nhà máy điện gió đã đưa vào vận hành thương mại, công suất 322MW (04 nhà máy đấu nối cấp điện 110kV và 01 nhà máy đấu nối cấp điện 220kV); đang triển khai thi công 04 dự án điện gió với tổng công suất 344MW (gồm Nhà máy điện gió Đông Thành 1, công suất 80MW; Nhà máy điện gió Đông Thành 2, công suất 120MW, Nhà máy điện gió Thăng Long, công suất 96MW, Nhà máy điện gió Duyên Hải, công suất 48MW). Tổng sản lượng phát điện của 05 nhà máy điện gió đã đưa vào vận hành thương mại là 746 triệu kilowatt giờ.
Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công dự án Nhà máy điện sinh khối Trà Vinh, công suất 25MW.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, Trà Vinh có tiềm năng phát triển năng lượng, tổng công suất khoảng 46.505MW. Trong đó, quy hoạch điện gió công suất 33.787MW (giai đoạn 2021 - 2030 là 4.587MW, giai đoạn 2031 - 2045 là 29.200MW); điện mặt trời công suất 7.587MW (giai đoạn 2021 - 2025 là 4.587MW, giai đoạn 2026 - 2045 là 3.000MW); điện sinh khối công suất 110MW (giai đoạn 2031 - 2035); Điện rác công suất 21,13MW (giai đoạn 2031 - 2035); điện khí công suất 5.000MW (giai đoạn 2021 - 2030 là 2.000MW, giai đoạn 2031 - 2045 là 3.000MW).
Đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Công thương.
Tại buổi làm việc, thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng chí Lê Văn Hẳn nhấn mạnh: nhằm hiện thực hóa Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó “Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ,...) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu” và khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ Công thương:
1. Chọn Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro xanh và thí điểm dự án điện gió ngoài khơi không đấu nối lưới điện quốc gia phục vụ cho Nhà máy sản xuất hydro xanh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải.
UBND tỉnh Trà Vinh có Công văn số 1045/UBND-CNXD ngày 17/3/2023 kiến nghị Bộ Công thương xem xét, chấp thuận chọn Dự án Nhà máy sản xuất hydro xanh Trà Vinh của Công ty TGS Trà Vinh làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro xanh; Tờ trình số 2121/TTr-UBND, Công văn số 2122/UBND-CNXD, ngày 25/5/2023 trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, chấp thuận chủ trương thí điểm đầu tư xây dựng nhà máy điện gió gần bờ và ngoài khơi không đấu nối lưới điện quốc gia, công suất 1.000MW để cung cấp điện phục vụ riêng cho Nhà máy sản xuất hydro xanh trên địa bàn tỉnh của Công ty TGS Trà Vinh làm dự án thí điểm cho ngành công nghiệp sản xuất hydro xanh, hướng đến không phát thải cacbon vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 (Conference of the Parties - Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 diễn ra vào năm 2021).
Đồng thời, xem xét sớm trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thí điểm dự án điện gió ngoài khơi không đấu nối lưới điện quốc gia phục vụ cho Nhà máy sản xuất hydro xanh trên địa bàn tỉnh.
2. Về xuất khẩu điện, UBND tỉnh Trà Vinh có Báo cáo số 20/BC-UBND ngày 31/01/2023, Công văn số 348/UBND-CNXD, ngày 01/02/2023 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về quy trình, thủ tục và cách thức thực hiện đầu tư dự án xuất khẩu điện Trà Vinh - Singapore. Để hỗ trợ triển khai đầu tư dự án được thuận lợi hơn, UBND tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ Công thương quan tâm, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế xuất khẩu điện ra nước ngoài (từ các dự án năng lượng tái tạo không đấu nối lưới điện quốc gia) để thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo và chọn Trà Vinh là tỉnh thực hiện việc xuất khẩu điện.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao chiến lược phát triển điện xanh của Trà Vinh, nhất là phát huy tiềm năng và thế mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo Trà Vinh; đồng thời chỉ đạo các Cục, Viện… trực thuộc Bộ Công thương hỗ trợ Trà Vinh thực hiện các quy trình theo luật pháp quy định hiện hành. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ xem xét quyết định; những vấn đề trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; nhằm giúp Trà Vinh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sớm trở thành tỉnh phát triển mạnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tin, ảnh: TN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.