21/03/2023 16:50
Ông Brian Allemekinders phát biểu tại buổi làm việc.
Ngày 21/3, ông Brian Allemekinders, Tham tán phát triển, Trưởng ban hợp tác phát triển, Đại sứ quán Canada tại Hà Nội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh về vai trò của khối công trong hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối thị trường, phát triển chuỗi giá trị dừa hữu cơ.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT; bà Trần Thị Thu Loan, Giám đốc Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) cùng đại diện các sở, ngành tỉnh, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại biểu đề nghị đoàn công tác và sở, ngành tỉnh tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp tục nhân rộng vùng nguyên liệu sản xuất dừa hữu cơ. Đặc biệt tuyên truyền, vận động nông dân tuân thủ quy tắc canh tác dừa hữu cơ; hỗ trợ doanh nghiệp được hưởng các chế độ ưu đãi phát triển chuỗi giá trị dừa. Thường xuyên tập huấn quy trình sản xuất dừa hữu cơ, giúp nông dân nâng cao năng suất và chất lượng dừa trái, nhất là tạo liên kết đầu ra bền vững sản phẩm dừa, tạo niềm tin cho nông dân mở rộng diện tích dừa hữu cơ.
Các sở, ngành tỉnh và địa phương tạo điều kiện cho Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong (tỉnh Bến Tre) có mặt bằng khoảng 01ha để thu mua và chế biến vùng nguyên liệu dừa tại tỉnh Trà Vinh. Hiện Công ty đã hỗ trợ liên kết sản xuất 906ha dừa hữu cơ tại Trà Vinh; sắp tới, Công ty sẽ khảo sát đánh giá tiêu chuẩn dừa hữu cơ của địa phương thêm 3.000ha.
Đến cuối năm 2022, tỉnh Trà Vinh có 26.058ha dừa với hơn 6,9 triệu cây dừa. Trong đó có 21.952ha diện tích đang cho trái, năng suất đạt 16,8 tấn/ha, sản lượng 370.166 tấn, tương đương 444 triệu quả; 772,5ha dừa sáp, trong đó có 65,8ha dừa sáp cấy phôi.
Dừa hữu cơ được liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua với mức giá cao hơn thị trường tại thời điểm bình quân từ 10 - 15% so với dừa trồng theo kiểu truyền thống. Đến nay Trà Vinh phát triển 4.910ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn EU, USDA thông qua các hoạt động hỗ trợ của khối công nói chung và của Sở NN-PTNT nói riêng; có 21 sản phẩm từ dừa đạt chuẩn OCOP 3 sao, trong đó có 07 sản phẩm từ dừa hữu cơ. Diện tích này được 17 hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với 06 doanh nghiệp với mức giá cao hơn thị trường.
Ngoài ra, hợp tác xã và doanh nghiệp được tiếp cận và kết nối tiêu thụ các sản phẩm phụ từ dừa hữu cơ để nâng cao giá trị (mùn dừa).
Ông Brian Allemekinders đánh giá cao những nỗ lực của sở, ngành tỉnh và Dự án SME Trà Vinh đã hỗ trợ và liên kết các đối tác doanh nghiệp trong việc hình thành và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng dừa chuỗi giá trị dừa của Trà Vinh. Đặc biệt tận dụng hiệu quả những phụ phẩm trong chuỗi sản xuất dừa đem lại kinh tế cao cho nông dân và doanh nghiệp, nhất là tận dụng phế phẩm chăn nuôi ứng dụng trong sản xuất dừa hữu cơ, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hướng dẫn nông dân ứng dụng canh tác bằng phương pháp chuyển đổi số trên điện thoại giúp nông dân ghi chép và sản xuất đạt hiệu quả hơn.
Đồng chí Trần Văn Dũng ghi nhận những ý kiến đề xuất của đoàn công tác cũng như các đơn vị khối công và khối tư. Đồng thời đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ quy trình sản xuất dừa hữu cơ cho nông dân.
Đối với doanh nghiệp phân tích kỹ lợi ích giữa sản xuất dừa hữu cơ và dừa truyền thống và có kế hoạch cụ thể về chi phí cũng như quyền lợi của nông dân tham gia sản xuất hữu cơ. Sở NN-PTNT tham mưu tạo điều kiện về mặt bằng giúp doanh nghiệp thuận lợi liên kết sản xuất vùng nguyên liệu tại Trà Vinh.
Tin, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.