23/06/2020 11:35
Công nhân Công ty TNHH Quốc tế TONSUN.
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã khiến thu nhập của hàng ngàn lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Một số DN, cơ sở, hộ kinh doanh bước đầu đã vượt qua giai đoạn căng thẳng của dịch bệnh. Tuy nhiên, những đơn hàng bị hoãn lại, chuỗi sản xuất cung ứng hàng hóa của không ít DN trên địa bàn tỉnh bị gián đoạn không thể tối ưu hóa sản xuất, dẫn đến chi phí gia tăng làm cho một số DN tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng… tuy DN đã giảm ngày làm việc, giảm lương, nhưng sức cầu trong tỉnh nói riêng, trong nước nói chung suy giảm mạnh, khiến các DN gặp khó. Trong 06 tháng đầu năm, có 48 DN tạm dừng hoạt động, 38 DN giải thể.
Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, tình hình hoạt động của các DN đang dần hồi phục. Đến nay, có 13 DN hoạt động trở lại, cấp mới 16 dự án trong nước với vốn đăng ký đầu tư 357,99 tỷ đồng, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh có 368 dự án còn hiệu lực, trong đó có 40 dự án nước ngoài. Đồng thời phát triển mới 173 DN, nâng tổng số đến nay toàn tỉnh 2.664 DN, vốn 33.498 tỷ đồng, giải quyết 97.013 lao động, trong đó có 2.229 DN đang hoạt động.
Theo bà Huỳnh Thị Diễm Thi, chủ DNTN sản xuất Hai Kháng, ấp Bến Thế, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, những năm trước DN chủ yếu sản xuất mặt hàng than gáo dừa, giải quyết việc làm 60 lao động, phần đông lao động nữ, dân tộc Khmer chiếm trên 70%, thu nhập 06 - 6,2 triệu đồng/tháng. Đầu năm 2020, DN sản xuất thêm mặt hàng phôi nút áo nhưng hiệu quả chưa cao do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Trước những khó khăn đó, DN đã cho công nhân nghỉ làm khoảng 02 tuần trong thời gian dịch bệnh trên cả nước diễn biến phức tạp. Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, tuy DN đã hoạt động trở lại nhưng sản xuất, kinh doanh chưa đạt hiệu quả tối cao do lao động ra vô thường xuyên. Bên cạnh đó, nguyên liệu dừa thường xuyên bị hạn chế do ảnh hưởng hạn, mặn xâm nhập, dừa cho trái ít. Mặt khác, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến các đơn xuất hàng.
Để duy trì sản xuất cũng như đảm bảo thu nhập cho người lao động trong thời kỳ hậu Covid-19, ngoài sản xuất mặt hàng than gáo dừa, phôi nút áo, DN đã và đang nghiên cứu sản xuất mặt hàng giỏ hoa trồng lan từ nguyên liệu dừa và bước đầu đã nhận được đơn đặt hàng từ đối tác tỉnh Bến Tre. Đây là tín hiệu vui cho DN, do đó DN đang dồn sức để làm các đơn đặt hàng này. Thời gian tới, DN tiếp tục đầu tư thêm máy móc, xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng nhu cầu lao động, tăng lợi nhuận kinh doanh cũng như thu nhập của người lao động.
Song song đó, Công ty TNHH Quốc tế TONSUN chi nhánh 2, ngụ tại ấp Chà Và, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hậu Covid-19 bằng cách giảm ngày làm việc để duy trì sản xuất và người lao động trong khi chờ đợi các gói đơn đặt hàng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, quản lý nhân sự của Công ty, hiện nay Công ty cố gắng khôi phục sản xuất nhưng đơn đặt hàng chưa nhiều, phần lớn phụ thuộc vào đối tác ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Công ty đã điều chỉnh lại sản xuất một số sản phẩm để đưa vào kho và chờ xuất khẩu trở lại, đồng thời Công ty cũng giảm ngày làm việc của công nhân từ 26 ngày xuống còn 19 - 20 ngày, không tăng ca, nhưng đảm bảo thu nhập 05 triệu đồng/người/tháng.
Hiện tại, Công ty dao động từ 120 - 140 công nhân đang làm việc, nhưng số lượng công nhân làm việc không ổn định và thường xuyên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên Công ty còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công nhân ra vô thường xuyên, Công ty buộc phải tuyển mới và đào tạo nghề lại nên ảnh hưởng đến năng lực sản xuất. Để vượt qua khó khăn, Công ty tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, tăng cường xúc tiến thương mại và làm việc với phía đối tác để ký kết các hợp đồng mới, đa dạng hơn nữa mẫu mã hàng hóa, đáp ứng thị trường, duy trì và ổn định công nhân.
Tuy hiện nay các DN trên địa bàn tỉnh đã hoạt động trở lại nhưng hiệu quả chưa cao do đơn đặt hàng chưa nhiều, từ đó các DN rơi vào điểm xuất phát ban đầu. Trong khi đó, kho lưu trữ không thể chứa hết lượng hàng hóa và kéo theo khó khăn về vốn. Tuy nhiên, qua khảo sát, phần lớn DN đều hy vọng sang tháng tới, tình hình dịch bệnh kiểm soát tốt, góp phần đẩy mạnh việc phát triển sản xuất, kinh doanh của các DN tốt hơn.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.