09/05/2022 06:01
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp tạm hoãn hoặc ngưng hoạt động. Do đó, Sở Công thương tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai hiệu quả công tác đảm bảo nguồn nguyên, vật liệu, năng lực phục vụ sản xuất cho các công ty, doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh sản xuất an toàn thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19, duy trì các hoạt động đối với các dự án sản xuất công nghiệp lớn, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước đây, chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp bị đứt gãy do dịch bệnh nên làm hạn chế lưu thông và tiêu dùng hàng hóa. Do đó, khi tình hình dịch bệnh ổn định, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xây dựng và ban hành hướng dẫn các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trên địa bàn.
Từ cuối năm 2021 đến nay, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, trong tháng 4/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 43,5% so với tháng trước. Tuy nhiên trong 04 tháng đầu năm chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 19,7% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp ước trên 11.338 tỷ đồng, đạt 30,4% kế hoạch, giảm 9,9% so cùng kỳ. Trong đó, có 03 lĩnh vực giảm: công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm; công nghiệp khai khoáng. Riêng công nghiệp cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng nhẹ 2,6%. So với 04 tháng cùng kỳ năm 2021, có 07 sản phẩm tăng sản lượng như: đường kết, thuốc viên các loại, điện thương phẩm; gạo xay xát, nước sinh hoạt và bộ truyền dẫn điện dùng trong ô-tô, giày thành phẩm;. 06 sản phẩm giảm mạnh như: may mặc, thủy sản đông lạnh, than hoạt tính, thảm xơ dừa, túi xách các loại, điện sản xuất.
Song song đó, tình hình phát triển mới doanh nghiệp tăng, trong 04 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh phát triển mới 164 doanh nghiệp, so với cùng kỳ nhiều hơn 22 doanh nghiệp, đạt 32,8% kế hoạch. Các địa phương phát triển doanh nghiệp đạt kết quả cao so với chỉ tiêu giao như huyện Trà Cú, Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Có 13 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, tỷ lệ giao dịch qua mạng đạt 58,3%.
Dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân, từ đó gây nhiều khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh trong sản xuất cũng như dự báo thị trường ước tính kết quả kinh doanh. Để thích ứng trong với tình hình mới, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, hộ kinh doanh Phan Quang Đáng, ấp Bến Có, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành đã đầu tư máy móc thiết bị mới (máy đóng gói bánh tráng) nhằm tiết kiệm thời gian đóng gói, đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra các bao bì bắt mắt mang tính thẩm mỹ thu hút nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng.
Công đoạn phơi bánh thuê của bà Thạch Thị Phíếp tại hộ kinh doanh Phan Quan Đáng.
Ông Đáng cho biết: trước đây, sản phẩm bánh tráng của gia đình tập trung tráng theo phương thức truyền thống, nhất là công đoạn từ chuẩn bị nguyên liệu gạo, bột mì, muối cho đến khi tráng bánh, phơi bánh, mẫu mã, bao bì,... đều dừng ở giai đoạn thủ công, nên khó có khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là thời gian gần đây tình hình dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến chi phí sản xuất tăng cao, đầu ra thị trường giảm.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là chỉnh chu về mẫu mã bao bì, ông đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị mới tạo ra sản phẩm bánh tráng đạt chất lượng cao và có thị trường tiêu thụ ổn định hơn. Từ khi đầu tư trang thiết bị mới, giảm thời gian và công đoạn sản xuất, chất lượng bánh nâng cao, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều. Hiện trung bình sản xuất 15.000 bánh/ngày, giải quyết việc làm 10 lao động.
Hộ kinh doanh Lục Thành Vũ, chuyên sản xuất dụng cụ làm vườn bằng gỗ tại ấp Bà My, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè từ nghề cha truyền con nối. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh gặp không ít khó khăn, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc sản xuất dụng cụ làm vườn bằng gỗ theo công đoạn thủ công khó cạnh tranh với các sản phẩm dụng cụ làm vườn hiện đại trên thị trường như inox, kim loại, nhựa tổng hợp, micarta,... có giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, độ bền cao và được sản xuất với số lượng lớn ở quy mô công nghiệp.
Được sự hỗ trợ vốn của Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, ông Vũ mạnh dạn đầu tư trang thiết bị mới vừa tạo ra sản phẩm đạt chất lượng và công suất lớn đáp ứng nhu cầu người tiêu. Ông Vũ cho biết: trước mắt, việc đầu tư trang thiết bị mới như máy tiện chép hình tự động, dao định hình, máy chà nhám tròn, máy chà nhám giúp việc sản xuất của gia đình đạt hiệu quả cao, tăng gấp 03 lần so với sản xuất truyền thống, giảm nhiều công đoạn lao động. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm cải tiến hơn, độ tinh xảo cao, bền chắc, đa dạng và hình thức bắt mắt hơn. Trung bình sản xuất 1.200 - 1.500 cán dụng cụ/ngày, giá bán 2.000 - 3.500 đồng/cán dao; 13.000 - 15.000 đồng/cán dụng cụ làm vườn.
Theo ông Phạm Văn Tám, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, giá trị sản xuất công nghiệp giảm do các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi lại sản xuất, còn nhiều khó khăn, giá đầu vào tăng cao, chưa có nhiều đơn hàng mới, thị trường xuất khẩu của một số doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình chiến sự ở một số nước trên thế giới chưa ổn định.
Mặt khác, do nhu cầu phụ tải điện giảm, Tổ máy 2 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 dừng phát dự phòng từ ngày 25/12/2021, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng đang thực hiện trùng tu... nên sản lượng điện sản xuất 04 tháng đầu năm chỉ đạt 21,5% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ 21,5%. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc thu hút đầu tư còn ít; sản xuất công nghiệp, hoạt động dịch vụ, du lịch tuy có phục hồi nhưng còn chậm; các nhà máy nhiệt điện không hoạt động hết công suất; một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đạt thấp so với kế hoạch và giảm nhiều so với cùng kỳ,...
Thời gian tới, Sở Công thương phối hợp với các ngành liên quan tham mưu với lãnh đạo tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Phối hợp với địa phương và chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình điện trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ đề ra, đưa tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm và ngành công nghiệp năng lượng một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư sản xuất các sản phẩm đủ tiêu chuẩn, chất lượng vào các siêu thị, trung tâm thương mại và xuất khẩu.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.