07/09/2021 11:24
Trà Vinh hiện có hàng ngàn lao động tự do, hàng ngày phải lao động để đảm bảo cuộc sống. Ngoài số lao động tham gia làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, được tổ chức Liên đoàn Lao động các cấp quan tâm và bảo vệ những quyền lợi chính đáng; thì một số lao động tự do vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên thất nghiệp nhiều, nguy cơ tái nghèo cao.
Nỗi lo “cơm áo gạo tiền”
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhiều lao động rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, đây là quãng thời gian đầy gian nan và thách thức đối với thành phần lao động tự do với nỗi lo “cơm áo gạo tiền”. Chính nỗi lo này luôn canh cánh đối với chị Huỳnh Lâm Duy Anh, ngụ ấp Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, trong thời gian giãn cách xã hội, tiền chi tiêu hàng ngày buộc phải chi, nhưng thu nhập thì không có nguồn, đã hơn 01 tháng nay.
Chị Duy Anh bày tỏ: chị làm công nhân, tuy tiền lương ổn định, nhưng bất cập về thời gian. Do đó, sau khi tích lũy được số tiền nho nhỏ, chị bán mỹ phẩm online, bình quân thu nhập 03 triệu đồng/tháng. Tuy những tháng trước, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng chị vẫn có nhiều đơn đặt hàng, nhưng gần 02 tháng nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt trên địa bàn xã Long Sơn xuất hiện các ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 và toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, việc kinh doanh của chị gặp nhiều khó khăn.
Anh Phạm Văn Út, ngụ ấp Qui Nông A, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành đã nghỉ thu mua ve chai từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và giãn cách xã hội. Anh Út cho biết: nhà nghèo, không đất sản xuất, anh là lao động chính với nghề mua bán ve chai, thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Ngoài vợ chồng anh còn có 03 đứa con, đứa nhỏ nhất vừa mới biết tập đi, còn đứa con lớn làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, do thời gian qua thực hiện giãn cách xã hội nên không có thu nhập gửi về phụ giúp gia đình. Trước khi dịch bệnh chưa xảy ra, anh Út rong ruổi khắp các địa bàn trong và ngoài xã để mua ve chai gom lại khoảng 03 - 04 ngày sau bán cho thương lái, nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra và liên tiếp xuất hiện các ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2, anh nghỉ mua ve chai, do thương lái không thu mua. Thất nghiệp, không có thu nhập, bữa cơm gia đình eo hẹp hơn. Vì lẽ đó, trước mắt tiền chạy gạo hàng ngày phải vay hoặc mượn của người dân trong xóm để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, với hy vọng dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát, anh quay lại nghề kiếm tiền trả nợ.
Nghỉ việc vì dịch bệnh
Hàng ngày, 03 bà cháu của Thạch Thị Yến (phải) lặt đậu thuê.
Hơn 01 tháng nay, Trà Vinh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều lao động rơi vào tình trạng bị giảm lương, tạm nghỉ, không có việc làm và rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp. Để duy trì cuộc sống trước mắt cho đến khi quay trở lại thị trường lao động, em Thạch Thị Yến, ngụ ấp Sóc Mới, xã Long Sơn đã làm thuê theo mùa vụ. Được biết, Yến xuất thân từ gia đình lao động nghèo, cha mẹ đi làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn 03 chị em của Yến ở quê với bà ngoại, Yến làm việc tại Công ty TNHH may mặc Minh Lực, thu nhập từ 03 - 4,5 triệu đồng/tháng. Gần 02 tháng nay, Công ty tạm nghỉ vì dịch bệnh, cuộc sống gia đình khó khăn, nhất là thời điểm dịch bệnh phức tạp và thực hiện giãn cách xã hội nên cha mẹ bị thất nghiệp không có gửi tiền về, còn cuộc sống tại quê nhà cũng gặp nhiều trở ngại vì Yến thất nghiệp.
Yến bày tỏ: lúc nghỉ việc, em không biết phải làm gì để kiếm tiền trong mùa dịch, những ngày nay người dân trong xã thu hoạch đậu phộng, em mừng lắm, đăng ký ngay để có tiền trang trải cuộc sống, khắc phục khó khăn trước mắt. Có việc làm, em và bà ngoại vui mừng, hàng ngày, 03 bà cháu lặt khoảng 03 bao đậu phộng, thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.
Trước thời gian giãn cách xã hội, tôi gặp chị Trần Thị Thanh Bình, ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, chị đã gắn bó hơn 08 năm làm công nhân tại Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong ở huyện Trà Cú, với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng. Do ảnh hưởng dịch bệnh, Công ty tạm ngừng hoạt động một số phân xưởng, chị phải nghỉ việc nên ở nhà cùng chồng làm thuê theo mùa vụ và chăm sóc 03 con bò. Chị Bình cho biết: nhà không đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, trong khoảng thời gian nghỉ việc giữa mùa dịch, tìm việc làm mới không đơn giản, thu nhập không ổn định. Vì vậy, chị quyết định sau khi dịch bệnh kiểm soát, chị làm hồ sơ xin việc làm mới.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 08 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 19.928 lao động được tư vấn việc làm, giải quyết việc làm mới đạt 72,36% kế hoạch; trợ cấp thất nghiệp 10.979 lao động với số tiền chi trả trên 177,027 tỷ đồng. Ngoài những lao động được nhà nước và doanh nghiệp hỗ trợ các chế độ chính sách về bảo hiểm và giải quyết trợ cấp thất nghiệp, thì số lao động không tham gia bảo hiểm rơi vào những lao động tự do. Như vậy, cuộc sống mưu sinh của những lao động này ngày càng khó khăn hơn, nếu khi không may gặp ốm đau, tai nạn trong quá trình làm việc. Không chỉ vậy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mua bán kinh doanh, sản xuất và đời sống của người dân, làm cho nhiều thành phần lao động tự do phải thất nghiệp, rơi vào cuộc sống chật vật hơn.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.