09/09/2021 16:36
Lý Thị Thúy Hằng học online tiếng Nhật.
Những năm gần đây, hoạt động tuyển dụng và đưa người đi XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài đã góp phần giảm nghèo, đặc biệt nhiều hộ nghèo vươn lên khá. Đối với các gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì đời sống từng bước thay đổi, ổn định; sau khi về nước người lao động tiếp tục làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có nguồn thu nhập cao. Đối với các trường hợp tham gia thị trường lao động ở nước ngoài, tỉnh tạo điều kiện vay vốn học phí và xuất cảnh, hình thức vay vốn và có thỏa thuận giữa người lao động với doanh nghiệp XKLĐ và ngân hàng. Hàng tháng, doanh nghiệp sẽ thu một phần tiền thu nhập của người lao động để thanh toán tiền vay với ngân hàng.
Từ khi con gái Thạch Thị Na Ry của bà Thạch Thị Thanh Nhàn ở ấp Sóc Giụp, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang tham gia lao động tại thị trường lao động Nhật Bản, đời sống kinh tế gia đình của bà Nhàn từng bước ổn định và vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2020. Bà Nhàn cho biết: nhà có 05 nhân khẩu, hoàn cảnh nghèo, chồng bà làm thợ hồ, còn bà tập trung sản xuất 3.400m2 đất trồng lúa của cha mẹ cho lúc ra riêng, thu nhập bấp bênh do điều kiện đất đai không thuận lợi nên bà chuyển đổi từ 01 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng rau đậu các loại, lợi nhuận từ 02 - 03 triệu đồng/vụ/1.000m2, nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Sau khi tốt nghiệp THPT, Na Ry làm công nhân hơn 01 năm phụ giúp gia đình nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh túng thiếu. Với mong muốn được thoát khỏi cảnh nghèo, Na Ry quyết định tham gia XKLĐ đã hơn 01 năm nay. Để có tiền cho con gái đóng học phí học tập và XKLĐ, bà Nhàn đã phải bán hết diện tích đất đang sản xuất và vay thêm 107 triệu đồng. Trong thời gian lao động ở Nhật Bản, Na Ry gửi tiền phụ giúp gia đình hàng tháng 20 triệu đồng. Tiền con gái gửi về, bà Nhàn trả nợ ngân hàng theo quy định, số còn lại bà đang sửa chữa, mở rộng diện tích căn nhà thêm khang trang hơn.
Không chỉ có gia đình của Na Ry, em Lý Hải Phong, ngụ ấp Hòa Lục, xã Hiệp Hòa, đang chờ dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát để xuất cảnh, giúp gia đình vượt qua cảnh nghèo. Phong cho biết: sau khi tốt nghiệp Đại học ngành Cơ khí chế tạo năm 2019, Phong đi làm thuê hơn 01 năm để kiếm tiền đóng học phí đăng ký học tiếng Nhật tham gia XKLĐ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành khóa học và sẵn sàng các thủ tục chuẩn bị xuất cảnh thì bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên đến nay Phong chưa xuất cảnh và về quê làm ruộng phụ giúp gia đình chờ hết dịch. Dù vậy, Phong vẫn không nản lòng và tiếp tục ôn bài tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội với hy vọng cuộc sống an lành tươi đẹp trong tương lai sau khi dịch bệnh được khống chế.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, XKLĐ trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, có khả năng không đạt chỉ tiêu đề ra. Theo kế hoạch năm 2021, tỉnh đưa 900 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị hạn chế, 08 tháng đầu năm 2021, tỉnh giải quyết việc làm 16.643 lao động, đưa 292 lao động làm việc có thời hạn ở thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số thị trường khác, đạt 32,44% so với kế hoạch.
Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: do tác động của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn do các thị trường lao động nước ngoài còn “đóng cửa”. Tuy nhiên, để dự nguồn lao động sẵn sàng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với 12 đơn vị doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch việc làm trực tuyến với 03 tỉnh Bến Tre, Bình Dương và Cần Thơ, tư vấn cho 120 lao động có nhu cầu tìm việc làm; tổ chức 07 phiên giao dịch trực tuyến, hội thảo, tư vấn việc làm cho 56.029 lượt lao động và quân nhân xuất ngũ có nhu cầu tìm việc làm. Phối hợp với các đơn vị XKLĐ tổ chức 05 lớp đào tạo tiếng Nhật cho 65 học viên có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài 400 lao động đã qua lớp đào tạo, nhưng chưa xuất cảnh, tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị XKLĐ tổ chức tuyển dụng, đào tạo lao động bằng hình thức gián tiếp qua mạng xã hội, đồng thời kéo dài thời gian đào tạo vừa nâng cao trình độ tay nghề và trình độ ngoại ngữ của lao động vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động đào tạo nghề đưa người XKLĐ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mối gắn kết giữa học viên và các đơn vị XKLĐ luôn duy trì và phát huy hiệu quả bằng phương pháp dạy và học online. Các doanh nghiệp chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ kỹ năng ngoại ngữ cho người lao động, người lao động tranh thủ học tập nâng cao trình độ để đảm bảo chuẩn bị tốt nhất để khi tham gia vào thị trường lao động ở nước ngoài sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Có mặt tại ấp Hòa Lục, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, 02 học viên đang tập trung tiếng Nhật học online thông qua thiết bị di động, học viên Lý Thị Thúy Hằng niềm nở bộc bạch: từ khi đăng ký tuyển dụng tham gia XKLĐ đến nay, em chưa một lần đến trường học tập chỉ tham gia học online tại nhà do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Lúc đầu học trực tuyến tuy có nhiều trở ngại, nhất là cách phát âm, nhưng với quyết tâm cải thiện cuộc sống gia đình và nhờ bạn học hỗ trợ, Hằng nhanh chóng tiếp cận ngôn ngữ tiếng Nhật; đồng thời, được giảng viên tận tình giải đáp thắc mắc sau cuối giờ học.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh nên doanh nghiệp kéo dài thời gian học tập online nhằm nâng cao trình độ học tập và kỹ năng ngoại ngữ nên Hằng đã dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ nhanh hơn. Được biết, cha mẹ của Hằng ngoài việc chăm lo sản xuất 02 - 03 vụ lúa/năm trên diện tích 3.000m2, cha của Hằng chạy xe ôm, mẹ thì nhận may quần áo, thu nhập không ổn định. Vì lẽ đó, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh vào năm 2014, Hằng nộp hồ sơ làm công nhân để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Với mức lương 05 triệu đồng/tháng, nhưng không dư, mặt khác cuộc sống càng chật vật hơn khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp như hiện nay. Do đó, Hằng quyết định thôi làm công nhân, đăng ký tham gia XKLĐ ở Nhật Bản, với hy vọng có nguồn thu nhập cao hơn để cải thiện cuộc sống gia đình. Từ khi tham gia học đến nay, Hằng đã vay 70 triệu đồng để nộp học phí, sau khi học xong mong hết dịch để được xuất cảnh có việc làm có tiền trả nợ ngân hàng, phụ giúp gia đình.
Cùng chung tâm trạng, học viên Nguyễn Thị Diễm My, ấp Hòa Lục đã quyết định thôi việc tại Công ty TNHH MTV Cy Vina ở Khu Công nghiệp Long Đức và đăng ký tham gia XKLĐ ở Nhật Bản. Diễm My bày tỏ: năm 2020, từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, công ty tạm ngừng hoạt động một thời gian và cắt giảm một số công nhân, Diễm My là một trong số đó. My quyết định nghỉ việc đăng ký XKLĐ với mục đích cải thiện cuộc sống gia đình và thử thách bản thân. Sau 06 tháng học tập, đầu năm 2021 My chuẩn bị xuất cảnh thì một số giấy tờ liên quan gặp trở ngại nên tạm dừng chuyến bay và đến nay vẫn chưa xuất cảnh được do dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn. Thời gian chờ xuất cảnh, ngoài làm việc nhà và cắt cỏ phụ mẹ nuôi bò, My tiếp tục ôn tập ngoại ngữ trên mạng để rèn luyện kỹ năng cũng như trình độ chuyên môn để khi xuất cảnh làm việc thuận lợi hơn. Điều quan trọng trong thời gian ôn tập và học online, My đã nâng cao trình độ lên một bậc và có thể lấy chứng chỉ từ N3 lên N2.
Có thể nói, XKLĐ là niềm tin hy vọng của những lao động nghèo với mong muốn đổi đời, hướng tới cuộc sống đủ đầy hạnh phúc. Tin rằng, với các chính sách hỗ trợ ngày càng thiết thực trong lĩnh vực XKLĐ của Nhà nước, người dân trong tỉnh đang có thêm những cơ hội mới để thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, để các chính sách đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần linh hoạt vận dụng, áp dụng đúng đối tượng để đảm bảo cao nhất hiệu quả của chính sách.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.