13/09/2023 07:28
Những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, công tác hội nhập quốc tế được đổi mới khi tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế, nhất là công tác phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên Hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo Biên bản ghi nhớ số 166-BB/TUBT-TUTG-TUVL-TUTV, ngày 22/02/2018 của Tỉnh ủy Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Kế hoạch số 147/KH-BĐHĐA, ngày 30/5/2023 của Ban Điều hành Đề án liên kết tiểu vùng về việc liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên Hải phía Đông ĐBSCL năm 2023 và ký kết hợp tác với 12 tỉnh, thành với Thành phố Hồ Chí Minh về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025,… Qua đó, tỉnh tăng cường mời gọi đầu tư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển hệ thống kinh doanh hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, khuyến khích phát triển hệ thống chợ theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, thích ứng với môi trường kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Thông tin từ Sở Công thương, giai đoạn 2013 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ tạo điều kiện cho 07 siêu thị, 02 trung tâm thương mại và 115 chợ; 24 cửa hàng tiện lợi; 04 máy bán hàng tự động kinh doanh theo hướng hiện đại hóa. Tăng cường công tác thông tin thị trường hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Ngoài ra, tỉnh thực hiện dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của Tổ chức IFAD cho vay đã được ký hiệp định giữa hai Chính phủ với tổng mức đầu tư 853,3 tỷ đồng (tương đương 37,1 triệu USD).
Mục tiêu của dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh trên cơ sở liên kết vùng, tiểu vùng gắn với thị trường, cải thiện thu nhập và giảm thiểu rủi ro cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng cạnh tranh ngành nông nghiệp của tỉnh. Song song đó, hỗ trợ hơn 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời hỗ trợ bảo hộ 10 nhãn hiệu tập thể cho 08 HTX, đạt 100%; hỗ trợ bảo hộ 66 nhãn hiệu độc quyền, đạt 132%; hỗ trợ bảo hộ 02 kiểu dáng công nghiệp, đạt 20%; bảo hộ 08 sáng chế/giải pháp hữu ích, đạt 160%; bảo hộ 01 nhãn hiệu đăng ký quốc tế nhãn hiệu, đạt 20%.
Trong năm 2023, HTX quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, huyện Càng Long là 01 trong 03 HTX được Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ cấp giấy chấp nhận đơn hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận quýt đường, tạo tiền đề cho địa phương mở rộng vùng nguyên liệu, góp phần đẩy mạnh cơ cấu kinh tế phát triển.
Bà Phan Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX quýt đường Thuận Phú cho biết: HTX hoạt động với 57 thành viên với tổng vốn điều lệ 300 triệu đồng. Diện tích quýt đường của HTX 42ha, trong đó có 25ha đang cho trái. Ngoài việc thu mua sản phẩm quýt đường của các thành viên, HTX còn thu mua sản phẩm của 15 hộ dân lân cận. Chu kỳ cho trái của quýt đường khoảng 08 tháng, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch; 04 tháng còn lại nông dân chăm sóc, cải tạo vườn và có thể xử lý cây quýt cho trái rải vụ bán vào dịp Tết nhằm tăng thêm thu nhập. Bình quân năng suất quýt đạt từ 08 - 12 tấn/ha, giá bán hiện nay dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, lợi nhuận 60%.
Mặc dù sản phẩm quýt đường được sở, ngành và địa phương hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử nhưng sức tiêu thụ không cao. Do vận chuyển ngoài tỉnh, thời gian bảo quản ngắn nên sản phẩm quýt đường đến với người tiêu dùng chưa đảm bảo. Hướng tới, sản phẩm quýt đường được công nhận nhãn hiệu, HTX vận động các thành viên và người dân lân cận mở rộng sản xuất lên 200ha, đồng thời liên kết với doanh nghiệp thu mua số lượng lớn, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Nghị quyết số 22-NQ/TW góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tuy nhiên, công tác thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ở một số địa phương chưa quan tâm triệt để, nhất là quỹ đất sạch còn hạn chế, đa phần đất của dân nên công tác bồi hoàn giải phóng mặt bằng còn gặp khó khăn, mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai để thúc đẩy giải ngân. Huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng đường thủy và đường bộ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số đúng thực chất, hiệu quả và lâu dài;
Vận động các viện trợ, tranh thủ các nguồn vốn, công nghệ, tri thức phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, xuất khẩu lao động, thu hút du lịch, đầu tư nước ngoài vào hoạt động đối ngoại. Hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, quảng bá quốc gia, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, khai thác các nguồn vốn bên ngoài, thu hút đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động và đầu tư nước ngoài, hỗ trợ xử lý các tranh chấp kinh tế - thương mại để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và công dân Việt Nam ở nước ngoài; đôn đốc thực hiện các cam kết, thỏa thuận với các đối tác quốc tế.
Cập nhật, thông tin đến các doanh nghiệp về các sự kiện xúc tiến thương mại, xuất khẩu, giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu, thị trường xuất khẩu các nước, hội thảo, hội chợ kết nối thị trường, kết nối cung cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.