07/06/2022 08:25
Thông tin từ Dự án SME Trà Vinh, việc hỗ trợ DN là một trong những công cụ tài chính của Dự án nhằm tiếp sức phát triển DN. Theo đó, hỗ trợ trực tiếp cho DN theo nguyên tắc hoàn lại chi phí đã được ứng trước bởi DN để thực hiện đề xuất kinh doanh với định mức tối đa 49% (không bao gồm các khoản thuế) so với tổng kinh phí thực hiện đề xuất kinh doanh.
Thông qua việc hỗ trợ này, nhiều ý tưởng cải tiến sản xuất theo hướng bảo vệ môi trường đã được Dự án hỗ trợ phát triển mang lại lợi ích cho DN và cộng đồng; 100% DN tham gia được hỗ trợ đều cam kết thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; 40% hợp đồng được ký kết đều có những hạng mục giúp nâng cao chất lượng môi trường, cải thiện điều kiện sản xuất và lao động, nâng cao khả năng chủ động xử lý chất thải sản xuất và nâng chất lượng sản phẩm.
Hạng mục sân phơi và nhà phơi năng lượng mặt trời của Công ty được Dự án SME Trà Vinh tài trợ.
Việc hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích các DN có ý tưởng sản xuất giảm thiểu tác động đến môi trường. Điển hình như Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Dương Phát, ấp Ngã Tư, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần đã được Dự án hỗ trợ trên 644 triệu đồng đầu tư sân phơi, nhà phơi năng lượng mặt trời nhằm giảm thiểu bụi phát tán trong quá trình sản xuất chỉ xơ dừa, xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất cơm dừa; lắp máy biến tần điện đập trước chỉ xơ dừa.
Ông Dương Văn Thọl, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Dương Phát cho biết: trước đây, trong quá trình sản xuất công ty gặp nhiều khó khăn về vấn đề xử lý nước thải và bụi phát tán từ chỉ xơ dừa, vấn đề này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của lao động nói riêng, người dân khu vực nói chung. Do đó, khi được Dự án hỗ trợ, Công ty mạnh dạn đối ứng vốn đầu tư 04 hạng mục: xây dựng sân phơi, nhà phơi, máy biến tần, hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo sức khỏe của người lao động và môi trường sản xuất thông thoáng.
Theo ông Thọl, những tháng trước, khâu tiêu thụ của Công ty chỉ đạt 30 tấn trái/ngày do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 ở thị trường ngoài nước còn diễn biến phức tạp, trong khi đó Công ty thu mua và sản xuất khoảng 50 tấn trái dừa/ngày, nên hàng hóa chỉ xơ tơ dừa tồn đọng khá nhiều trong kho. Trung bình hàng tháng Công ty xuất hàng từ 200 - 300 tấn sản phẩm chỉ xơ dừa và cơm dừa, lợi nhuận sau thuế đạt từ 05 - 10%, đặc biệt tháng vừa qua, Công ty xuất hàng 500 tấn sản phẩm chỉ xơ dừa sang thị trường Trung Quốc. Ngoài việc giải quyết sản phẩm dừa trái cho nông dân trong và ngoài địa phương, Công ty giải quyết việc làm từ 140 - 200 lao động, thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày/lao động tham gia làm việc theo thời gian; từ 06 - 09 triệu đồng/tháng/lao động làm việc theo sản phẩm.
Có thể thấy, tác động môi trường tiềm ẩn trong quá trình sản xuất đã ảnh hưởng đến việc phát triển DN nhỏ và vừa. Vì thế, Dự án SME Trà Vinh đã triển khai Kế hoạch hành động môi trường với mục tiêu nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng DN nhỏ và vừa và các chủ đầu tư các tiểu dự án nắm bắt, thực hiện theo các chính sách môi trường, đảm bảo quá trình phát triển hài hòa với công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Dự án còn giúp nâng cao năng lực cho khối công về lồng ghép môi trường trong hỗ trợ phát triển DN. Từ khi triển khai kế hoạch đến nay đã có 2.100 lượt DN, cán bộ khối công tham gia các hội thảo, tập huấn và các chuyến tham quan học tập về môi trường. Dự án đã phát hành 03 ấn phẩm về môi trường được phổ biến đến DN. Bên cạnh đó, Dự án còn hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường các thiết bị quan trắc nhằm nâng cao năng lực quan trắc chỉ số môi trường tại các DN thuộc chuỗi ngành hàng ưu tiên phát triển của tỉnh.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.