22/11/2023 11:03
Lãnh đạo Dự án SME Trà Vinh chụp ảnh lưu niệm với DNNVV tại Vườn ươm DN tỉnh.
Dự án SME Trà Vinh sử dụng nguồn ODA của Chính phủ Canada triển khai từ năm 2014 đến năm 2023. Tổng nguồn vốn của Dự án trên 12 triệu CAD, trong đó vốn ODA 11 triệu CAD và vốn đối ứng của ngân sách của tỉnh Trà Vinh gần 1,2 triệu CAD. Theo bản ghi nhớ giữa Chính phủ Canada và Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương tỉnh Trà Vinh trên nguyên tắc tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của Việt Nam trong quản lý và sử dụng vốn ODA.
Đồng chí Trần Thị Thu Loan, Giám đốc Dự án SME Trà Vinh cho biết: đến tháng 10/2023, có 29.642 người được hưởng lợi; có 6.328 DNNVV hưởng lợi từ Dự án; trong đó, DNNVV, cơ sở kinh doanh do nữ làm chủ trên 33%, vượt mức chỉ tiêu về giới của Dự án. Việc phát triển các DNNVV gắn với các chuỗi giá trị đã xây dựng năng lực tuân thủ hợp đồng và đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp (DN) liên kết với các DNNVV tham gia Dự án. Từ đó, giúp xây dựng uy tín và niềm tin từ cộng đồng với các đối tác kinh doanh bằng việc cam kết tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu tại Trà Vinh của các công ty lớn hiện đang triển khai thu mua trên địa bàn.
Các chỉ số về số DNNVV tham gia xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của DNNVV trong năm và doanh thu bình quân/năm của DNNVV đều có giá trị cuối kỳ vượt chỉ tiêu kỳ vọng. Dự án sử dụng 02 nhóm chỉ số chính: tỷ lệ DN trong vùng nguyên liệu dừa sử dụng cơ sở hạ tầng do Dự án hỗ trợ trên tổng số lượng DN và số lượng DN và người khởi nghiệp sử dụng cơ sở hạ tầng do Dự án hỗ trợ. Cả 02 chỉ số đo lường kết quả trung gian đều vượt chỉ tiêu, cụ thể chỉ số: Số lượng DN và người khởi sự sử dụng cơ sở hạ tầng do Dự án hỗ trợ gấp 12,02 lần chỉ tiêu (100 DN/người khởi nghiệp). Số lượng DNNVV tiếp cận dịch vụ hỗ trợ DN đã tăng 426 DN so với đầu kỳ gấp 2,13 lần chỉ tiêu. Với 22 DN/chủ nhân ý tưởng, tổng mức vốn hỗ trợ khởi nghiệp đạt trên 8,4 tỷ đồng, tương đương với gần 383 triệu đồng/DN hay chủ nhân ý tưởng.
Học viên thuộc khối công và khối tư tham gia thực hành nhóm nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ phát triển kinh doanh tại Vườn ươm DN tỉnh.
Dự án theo dõi kết quả trước mắt thông qua 03 chỉ số: số DN trong chuỗi dừa được Dự án hỗ trợ tham gia xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu tăng thêm của DN trong chuỗi dừa được Dự án hỗ trợ và doanh thu bình quân của DN trong chuỗi dừa được Dự án hỗ trợ. Giá trị đầu kỳ của các chỉ số được ghi nhận vào năm trước khi có can thiệp của Dự án (2017) và giá trị cuối kỳ được ghi nhận vào năm sau khi các can thiệp liên quan kết thúc (2021 hoặc 2022). Hai chỉ số vượt chỉ tiêu kỳ vọng, riêng chỉ số kim ngạch xuất khẩu không có chỉ tiêu, nhưng ghi nhận giá trị cuối kỳ cao hơn đầu kỳ rất nhiều, thể hiện sự thay đổi tích cực.
Chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV được xây dựng thực hiện từ năm 2018 với mục tiêu cung cấp hỗ trợ về tài chính, nâng cao năng lực và kết nối mạng lưới cho các DNNVV, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong việc triển khai ý tưởng kinh doanh mới và sáng tạo, tạo giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm mới trong các chuỗi giá trị, cải thiện môi trường và thu hút việc làm cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số trong tỉnh. Các DNNVV được hỗ trợ có điều kiện phát triển bền vững và tạo việc làm bền vững cho cộng đồng.
Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.000 hộ dân, trong đó có 45% là dân tộc thiểu số và hơn 500 DN/cơ sở kinh doanh được hưởng lợi từ 25 công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ được Dự án triển khai. Các công trình này hiện đang sử dụng tốt và duy tu bảo dưỡng thường xuyên, được cộng đồng đánh giá là đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân.
Bà Phan thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã quýt đường Bình Phú giới thiệu sản phẩm quýt đường tại hội thảo kết nối nông sản. Sản phẩm quýt đường được Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ xây dựng thương hiệu và được chấp nhận đơn hợp lệ nhãn hiệu chứng nhận quýt đường.
Đối tượng tham gia chương trình là các DN thuộc các ngành sản xuất và dịch vụ đặc trưng của tỉnh như dừa, du lịch, đậu phộng, thủ công mỹ nghệ, và một số ngành nghề khác. Các ý tưởng kinh doanh được đánh giá theo các tiêu chí: sáng tạo, góp phần phát triển chuỗi giá trị và phát triển cộng đồng và môi trường.
Đến nay, đã có 65 ý tưởng được đề xuất tham gia chương trình, trong đó 10 DN với 11 ý tưởng đã nhận được hỗ trợ tài chính với tổng số vốn từ Dự án gần 5,4 tỷ đồng (vốn DN đối ứng gần 6,5 tỷ đồng). Hạng mục đầu tư chủ yếu: nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất và đóng gói bao bì sản phẩm, xử lý phụ phẩm, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường. Sự hỗ trợ từ chương trình được các DN đánh giá đúng lúc, đúng nhu cầu, như “đòn bẩy” và được xem như “chiếc phao” cho DN.
Theo đồng chí Trần Thị Thu Loan, các hoạt động của Dự án được các bên quan tâm chỉ đạo sát sao hơn, các hoạt động triển khai tích cực, từ đó có mức độ hoàn thành cao hơn. Dự án SME Trà Vinh đã hỗ trợ Trà Vinh thực hiện các nhiệm vụ mà Trung ương giao liên quan đến hỗ trợ DNNVV. Thành công trong các hoạt động của Dự án đã đóng góp trực tiếp vào việc nâng cao thứ bậc xếp hạng chỉ số PCI, PGI của tỉnh, tạo ra không khí khởi nghiệp, phát triển kinh doanh sôi động, hào hứng trong tất cả các tầng lớp xã hội ở địa phương trước đây.
Thời gian tới, Dự án SME Trà Vinh mong Nhà nước quan tâm tiếp tục triển khai và theo dõi chặt chẽ tiến trình triển khai các quyết đinh, đề án, chiến lược đã phê duyệt nhằm duy trì kết quả của Dự án. Xây dựng các mô hình duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng quy mô nhỏ linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tính chất của từng loại hình công trình và kết hợp được giữa nguồn lực của Nhà nước và người dân. Thiết kế các Dự án hỗ trợ DN tư nhân cần chú trọng đến việc khai thác tối đa lợi ích của mô hình ba bên trong hệ sinh thái hỗ trợ DN. Hỗ trợ DNNVV không cần điều chỉnh linh hoạt, tùy theo mức độ trưởng thành của DN trong chu kỳ kinh doanh.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.