27/06/2022 07:52
Dừa là sản phẩm được Dự án SME Trà Vinh chọn nâng cấp chuỗi giá trị. Trong ảnh, người lao động tách dừa trái tại Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Dương Phát.
Mục tiêu của chiến lược nâng cao chuỗi giá trị dừa trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển chuỗi dừa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu, có vùng nguyên liệu tập trung ở các huyện: Càng Long, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Kè, Cầu Ngang và thành phố Trà Vinh, với quy mô khoảng 24.200ha gắn với các doanh nghiệp ngành dừa tạo những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và ổn định.
Các liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa để phát triển sản xuất nhằm gia tăng thu nhập từ 10 - 15% và tạo việc làm cho lao động khu vực nông thôn khoảng 1.000 lao động, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, tỉnh phát triển khoảng 550ha dừa sáp đặc sản, tập trung trên địa bàn các huyện: Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành. Mở rộng diện tích trồng và cải tạo vườn dừa bị lão hóa khoảng 3.000ha với giống có năng suất, chất lượng cao như: dừa dâu xanh, dừa dâu vàng, dừa xiêm xanh tại các vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chiến lược phát triển sản xuất và chế biến của các doanh nghiệp.
Phấn đấu đến năm 2025, năng suất dừa đạt khoảng 16 tấn/ha; có ít nhất 8.000ha dừa “theo hướng hữu cơ”, trong đó có 6.000ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, chiếm 32% diện tích dừa của tỉnh; có ít nhất 10 doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất dừa xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ chuỗi sản phẩm dừa có giá trị gia tăng cao ra thị trường; trong đó, có ít nhất 02 doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thông tin từ Ban Quản lý Dự án SME Trà Vinh, năm 2020, Dự án SME Trà Vinh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ giữa Công ty Cổ phần Trà Bắc và các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp sản xuất dừa hữu cơ trên địa bàn: HTX nông nghiệp Ngãi Hùng, HTX nông nghiệp Tập Ngãi và HTX nông nghiệp Rạch Lọp, huyện Tiểu Cần.
Theo đó, Công ty Cổ phần Trà Bắc sẽ thu mua dừa trái được chứng nhận đạt tiêu chuẩn canh tác hữu cơ của các HTX. Hoạt động này nhằm tìm kiếm và tạo kết nối giữa các tác nhân tham gia các chuỗi giá trị chủ lực và một số sản phẩm OCOP của tỉnh. Trên cơ sở đó, liên kết để các tác nhân gặp gỡ, trao đổi, nắm thông tin và ký kết hợp đồng liên kết với nhau. Qua đó, góp phần duy trì và phát triển các chuỗi liên kết các sản phẩm chủ lực và một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, tạo ra vùng nguyên liệu các sản phẩm chủ lực và OCOP theo các tiêu chuẩn an toàn/sạch/hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2020, Dự án đã hỗ trợ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch hành động nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018 - 2020; tiếp tục trong năm 2021, Dự án hỗ trợ tư vấn xây dựng chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025. Hội thảo sẽ được tổ chức sau khi kế hoạch hành động giai đoạn 2022 - 2025 được phê duyệt nhằm sơ kết kết quả đạt được và triển khai kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo.
Từ khi ký hợp đồng liên kết tạo đầu ra cho vùng nguyên liệu dừa tại địa phương, các thành viên HTX nông nghiệp Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần an tâm sản xuất, có thu nhập ổn định. Nông dân Thi Văn Dự, thành viên HTX nông nghiệp Ngãi Hùng phấn khởi: thuận lợi khi tham gia liên kết trồng dừa hữu cơ, người trồng dừa được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật và khi thu hoạch, doanh nghiệp thu mua dừa trái cao hơn giá thị trường. Với 1,3ha dừa hữu cơ hiện đang cho trái, hàng tháng ông thu từ 800 - 1.000 trái, thu nhập từ 04 - 08 triệu đồng/tháng tùy theo thời điểm giá.
Hay nông dân Nguyễn Dũng, ấp Ngã Tư, xã Ngãi Hùng cho biết thêm: từ khi tham gia vào mô hình liên kết trồng dừa hữu cơ và được Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Beinco) thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường, nên ông an tâm sản xuất và không còn lo lắng đầu ra như trước đây. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty vẫn tổ chức thu mua toàn bộ dừa hữu cơ của người dân tại vùng nguyên liệu như đã cam kết, giá luôn cao hơn thị trường từ 05 - 10%. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất ông được ưu đãi các dịch vụ về sản xuất nông nghiệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa hữu cơ, nhất là được doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật ủ phân hữu cơ để trồng dừa.
Ông Dương Văn Thọl, Giám đốc HTX nông nghiệp Ngãi Hùng cho biết: tháng 11/2021, HTX liên kết với Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và thu mua sản phẩm dừa trái của người dân trên địa bàn với diện tích trên 217ha. Thông qua chuỗi liên kết, nông dân cũng như các thành viên HTX không còn lo ngại về đầu ra. Do đó, HTX tiếp tục đề xuất với doanh nghiệp về việc mở rộng vùng nguyên liệu trồng dừa hữu cơ, vừa góp phần giải quyết đầu ra dừa trái cho nông dân, vừa nâng cao chuỗi giá trị dừa trong tương lai.
Để tạo chuỗi liên kết ngành dừa hoạt động hiệu quả, các sở, ngành tỉnh và địa phương cần định hướng phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ trồng dừa trong tỉnh nhằm sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng thị trường xuất khẩu; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững chuỗi sản phẩm dừa trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện cần liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan cùng có trách nhiệm và cùng có lợi.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.