05/11/2020 12:08
Phóng viên: Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp của tỉnh có nhiều khởi sắc, trong thành công chung đó có đóng góp của Dự án SME Trà Vinh. Với vai trò Giám đốc dự án, ông vui lòng đánh giá những kết quả?
Ông Lâm Hữu Phúc. |
Ông Lâm Hữu Phúc: Những hỗ trợ từ Dự án SME đối với phong trào khởi nghiệp của tỉnh thời gian qua, thì truyền thông khởi nghiệp là một trong những hoạt động đạt hiệu quả nổi bật.
Để thực hiện hoạt động này, Ban quản lý dự án đã xây dựng hệ thống truyền thông quảng bá khởi nghiệp cho tỉnh. Từ năm 2018, đã tổ chức sự kiện thường niên “Ngày hội khởi nghiệp” cấp tỉnh, đồng thời hỗ trợ tổ chức nhiều cuộc thi về khởi nghiệp. Sau các cuộc thi, một số dự án được hiện thực hóa, như thương hiệu dầu dừa Ánh Dương ở huyện Càng Long; sản phẩm gạo sạch của Hợp tác xã nông nghiệp Long Hiệp ở huyện Trà Cú, sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm ở huyện Tiểu Cần... các dự án này sau cuộc thi về khởi nghiệp được hỗ trợ tham gia những khóa tập huấn nâng cao năng lực và học tập mô hình khởi nghiệp thành công trong nước và tham gia các sự kiện kết nối cấp vùng, quốc gia… nhờ đó các dự án còn nhận thêm nguồn hỗ trợ từ các đơn vị, địa phương. Mặt khác, Dự án SME còn hỗ trợ kinh phí cho các đối tác là các sở, ngành tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp theo các đối tượng tiếp cận.
Cùng với hoạt động truyền thông, hoạt động nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh cũng đạt một số kết quả đáng ghi nhận: giúp nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước, tạo mạng lưới chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp tại tỉnh và đưa Trà Vinh vào mạng lưới khởi nghiệp quốc gia. Hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất phục vụ hoạt động khởi nghiệp tại “Vườn ươm doanh nghiệp” của tỉnh và hiện nay dự án đang xây dựng nguồn lực tài chính để hỗ trợ khởi nghiệp qua mô hình thí điểm “vốn hạt giống”.
Đối với việc xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, Dự án SME Trà Vinh đã hỗ trợ điều chỉnh Đề án 1120/QĐ-UBND, ngày 16/6/2017 của UBND tỉnh về phát triển doanh nghiệp (DN) và khởi nghiệp. Kết quả đã hoàn thiện nội dung đề xuất UBND tỉnh thay thế đề án bằng một quyết định khác có tính khả thi hơn. Dự án đã xây dựng hoàn thiện chiến lược và sổ tay vận hành “Vườn ươm doanh nghiệp” tỉnh Trà Vinh, được UBND tỉnh phê duyệt…
Phóng viên: Từ những kết quả ông vừa nêu, đâu là những điểm nhấn cần nhân rộng và phát huy trong thời gian tới?
Ông Lâm Hữu Phúc: Những kết quả đạt được nêu trên, có 02 điểm nhấn cần nhân rộng và phát huy: vận hành, chuyển giao và thể chế hóa “Vườn ươm doanh nghiệp”. Nâng cao năng lực cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN nhận bàn giao và đẩy mạnh công tác hỗ trợ khởi nghiệp. Điểm nhấn thứ hai là công tác thí điểm việc ươm tạo các cá nhân, dự án, chủ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng thay đổi mô hình kinh doanh theo chiến lược vườn ươm để hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp, giúp hoạt động khởi nghiệp thành công. Thể chế hóa nguồn vốn hạt giống hỗ trợ khởi nghiệp cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN, thực hiện thí điểm việc cấp vốn hạt giống cho một số lĩnh vực được chọn ưu tiên DN do nữ làm chủ.
Phóng viên: Trong công tác phối hợp thực hiện triển khai dự án trên lĩnh vực khởi nghiệp có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Ông Lâm Hữu Phúc: Về mặt thuận lợi, có sự ủng hộ của UBND tỉnh và sự hợp tác từ các sở, ban ngành tỉnh. Tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của thanh niên và phụ nữ tại địa phương đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, lực lượng lao động dồi dào, trẻ dễ dàng tiếp thu các kiến thức mới phù hợp truyền đạt loại hình DN khởi nghiệp cũng là một thuận lợi cho việc triển khai dự án. Các địa phương có nhiều chính sách đầu tư, cho vay ưu đãi từ ngân hàng, các nguồn quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ Trường Đại học Trà Vinh, từ Hội Liên hiệp phụ nữ Trà Vinh… góp phần tạo thuận lợi cho dự án.
Về khó khăn, do khởi nghiệp là lĩnh vực mới, các văn bản pháp lý hướng dẫn từ Trung ương chưa được cụ thể hóa, dẫn đến việc căn cứ triển khai còn gặp một số khó khăn vướng mắc. Các đơn vị sở, ngành tỉnh còn tổ chức riêng lẻ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các hoạt động. Trên địa bàn tỉnh, có rất ít DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ gây khó khăn khi thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chưa có các tổ chức trung gian hỗ trợ, thúc đẩy công nghệ cao, thương mại hóa sản phẩm và phong trào khởi nghiệp dù có mạnh, nhưng đến nay vẫn chưa chuyên sâu về yếu tố kỹ thuật, chất lượng của hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Một hoạt động khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Trà Vinh do dự án SME Trà Vinh hỗ trợ. Ảnh: BT
Phóng viên: Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hướng tới Ban quản lý Dự án SME tỉnh Trà Vinh có những định hướng gì, thưa ông?
Ông Lâm Hữu Phúc: Sắp tới Dự án SME Trà Vinh sẽ tập trung vào các định hướng hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái phù hợp với khởi nghiệp và DN nhỏ và vừa được xây dựng và tạo nền móng thúc đẩy môi trường kinh doanh như: nâng cao năng lực cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN về lĩnh vực phát triển DN, tư vấn, tạo cảm hứng cho DN khởi nghiệp hoặc DN nhỏ và vừa, vận hành vườn ươm, kết nối đào tạo và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp. Vận hành, chuyển giao và thể chế hóa “Vườn ươm doanh nghiệp” giao nhiệm vụ cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN. Tổ chức các sự kiện nhằm kết nối kinh doanh cho các DN khởi nghiệp nam và nữ. Thành lập và tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm, tổ hợp tác của nữ doanh nhân và củng cố, xây dựng mạng lưới chuyên gia về khởi nghiệp.
Trong hỗ trợ các sáng kiến khởi nghiệp và DN nhỏ và vừa được hưởng lợi từ những dịch vụ khả thi và thực tiễn để giúp khởi nghiệp thành công như việc thể chế hóa nguồn vốn hạt giống hỗ trợ khởi nghiệp cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN. Trung tâm thí điểm ươm tạo DN nhỏ và vừa theo chiến lược vườn ươm được phê duyệt trong một số lĩnh vực được chọn, ưu tiên DN do nữ làm chủ. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ DN thực hiện thí điểm việc cấp vốn hạt giống cho một số lĩnh vực được chọn ưu tiên DN do nữ làm chủ. Tổ chức hoặc tạo điều kiện tham gia vào các sự kiện, diễn đàn khởi nghiệp, gọi vốn đầu tư, kết nối thị trường. Đặc biệt, Ban Quản lý Dự án SME Trà Vinh sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động truyền thông về khởi nghiệp. Cụ thể là cuộc thi Hult Prize tại Trà Vinh và đến tháng 12/2020 dự án sẽ tổ chức sự kiện thường niên “Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh”.
Phóng viên: Xin cảm ơn Giám đốc!
BÁ THI (thực hiện)
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.