14/08/2020 05:26
Bà Đặng Thị Diễm Thi, chủ cơ sở mây tre lá Nhất Tâm.
Cơ sở mây tre lá Nhất Tâm (thành phố Trà Vinh) là 01 trong 05 DN, cơ sở đăng ký đề xuất xin hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy móc, phương tiện vận tải, nhà xưởng nâng cao chất lượng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ nguyên liệu lục bình. Theo bà Đặng Thị Diễm Thi, chủ cơ sở mây tre lá Nhất Tâm, cơ sở chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình với 05 sản phẩm theo đơn đặt hàng của HTX mây, tre, lá Ba Nhất tại tỉnh Bình Dương gồm: túi xách, bộ ba chữ nhật, bộ ba tàn ong, đĩa tàn ong và bộ ba mắt thơm. Đối với sản phẩm túi xách do cơ sở tự thiết kế, sản xuất mới tung ra thị trường trong thời gian gần đây và được khách hàng ưa chuộng, nhất là thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần giải quyết việc làm cho 204 lao động, trong đó có 60 lao động dân tộc Khmer.
Trên cơ sở đã đăng ký, bà Huỳnh Thị Diễm Thi, chủ DNTN sản xuất Hai Kháng (huyện Trà Cú) đề xuất chiến lược kinh doanh sắp tới cải tiến sản xuất than gáo dừa thân thiện môi trường và phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ gáo dừa.
Theo bà Thi, DN chuyên sản xuất sản phẩm than gáo dừa, phôi nút áo từ nguyên liệu dừa, giải quyết việc làm 60 lao động, phần đông lao động nữ, dân tộc Khmer chiếm trên 70%, thu nhập 06 - 6,2 triệu đồng/tháng. Những năm trước, DN chủ yếu sản xuất mặt hàng than gáo dừa, gần đây sản xuất thêm mặt hàng phôi nút áo. Để mục tiêu sản xuất kinh doanh của DN ngày càng nâng cao, hiệu quả, tạo môi trường sản xuất thân thiện, hạn chế ô nhiễm môi trường, nếu có cơ hội tiếp cận vốn Dự án, DN sẽ trang bị máy móc, xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng nhu cầu lao động, tăng lợi nhuận kinh doanh cũng như thu nhập của người lao động.
Theo ông Lâm Hữu Phúc, Giám đốc Dự án SME Trà Vinh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề xuất chi tiết của DN tiếp cận chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV, mục tiêu của Dự án hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNVV trong tỉnh. Đối với những đề xuất kinh doanh của DN phù hợp và có tính khả thi cao, Dự án sẽ hỗ trợ DN hoàn thành các thủ tục tiếp cận chương trình. Bên cạnh đó, các DN có ý tưởng tham gia Chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV lưu ý chủ động kết nối nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra, đáp ứng nhu cầu sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động; đồng thời chú trọng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh. |
|||
Chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV thuộc Dự án SME Trà Vinh do Chính phủ Canada tài trợ, được xây dựng với mục tiêu phát triển, tăng cường năng lực và tiếp sức các DNNVV, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong việc triển khai ý tưởng kinh doanh mới và sáng tạo, mang lại giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm mới trong các chuỗi giá trị, cải thiện môi trường và thu hút việc làm cho phụ nữ và người dân tộc trong tỉnh.
Thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính, cũng như kết nối mạng lưới kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển các khâu trong chuỗi sản phẩm (sản xuất, tiêu thụ, chế biến, liên kết kinh doanh,…) tạo nhiều sản phẩm mới hoặc trở thành DN đầu tàu trong ngành hàng cùng hợp tác thúc đẩy phát triển sản xuất.
Đối tượng tham gia chương trình là DN trong và ngoài tỉnh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, có tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó ưu tiên các chuỗi giá trị sản phẩm của Dự án đảm bảo điều kiện và tiêu chí cơ bản sau: có giấy chứng nhận đăng ký DN, đăng ký kinh doanh hoạt động tại tỉnh, đã có thời gian hoạt động tối thiểu 06 tháng (tính từ ngày đơn vị hoạt động). Ngoài ra, tùy thuộc vào phạm vi sản xuất, kinh doanh, các đối tượng là DN, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh thuộc nhóm DNNVV theo tiêu chí quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV.
Chương trình hỗ trợ trực tiếp cho DN theo nguyên tắc hoàn lại chi phí đã được ứng trước bởi DN thực hiện đề xuất kinh doanh với định mức tối đa 49% (không bao gồm các khoản thuế) so với tổng kinh phí thực hiện đề xuất kinh doanh. DNNVV, hợp tác xã được hỗ trợ về tài chính không vượt quá 800 triệu đồng; 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.
Các DN, hộ kinh doanh đề xuất kinh doanh được Hội đồng thẩm định đánh giá theo 04 tiêu chí: tính phù hợp với nội dung của Chương trình hỗ trợ (phát triển chuỗi giá trị là đề xuất hỗ trợ thuộc các hoạt động nằm trong các khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng hoặc tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị; phát triển cộng đồng và môi trường sẽ tạo các giá trị về phát triển xã hội và cộng đồng, cụ thể như thu hút thêm nhiều lao động; không vi phạm và đóng góp vào các vấn đề bảo vệ môi trường; DN sáng tạo là thể hiện ứng dụng công nghệ thông tin hoặc đổi mới hoạt động marketing - bán hàng hoặc quản trị - sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường năng lực cạnh tranh). Tính khả thi (triển khai phù hợp với hoạt động và địa bàn; tính khả thi về thị trường cho sản phẩm dịch vụ của DN; tính khả thi về năng lực và kinh nghiệm triển khai; cam kết đóng góp nguồn lực của đơn vị, tính hợp lý của khung thời gian và kế hoạch tài chính, kinh phí để thực hiện). Tính Bền vững (khả năng tiếp tục duy trì hoạt động hoặc các kết quả, tác động của hoạt động sau khi kết thúc giai đoạn hỗ trợ).
Tiêu chí bổ sung (DN tạo ra các giá trị bổ sung ngoài các nội dung đã đăng ký; đề xuất có khả năng nhân rộng và áp dụng tại các mô hình khác hoặc địa bàn khác; đề xuất của DN chú trọng sử dụng các nguyên liệu, lao động (phụ nữ, người dân tộc thiểu số), nguồn lực tại địa phương; DN do phụ nữ, người dân tộc thiểu số làm chủ.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.