25/06/2020 12:23
Cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè khảo sát quy trình sản xuất nấm bào ngư của HTX Tân Qui.
Tham gia lớp tập huấn, các DN được thụ hưởng các nội dung chương trình tập huấn và vận dụng thực tế vào quá trình sản xuất, kinh doanh để đạt hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ đẩy mạnh hỗ trợ DN trong tỉnh mở rộng sản xuất, nâng tầm thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, mà còn hỗ trợ kết nối mạng lưới kinh doanh thương mại điện tử có hiệu quả tại các thị trường nước ngoài.
Sản phẩm dừa là ngành hàng chủ lực được Dự án SME Trà Vinh chọn ngay từ đầu khởi động dự án để nâng cấp chuỗi. Từ ngành hàng dừa, các hộ kinh doanh, DN tận dụng nguyên liệu dồi dào sẵn có của địa phương đã chế biến thành nhiều sản phẩm khác nhau. Cơ sở đặc sản quê Cô Diễm ở ấp Chợ, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú là một trong những cơ sở điển hình tận dụng nguyên liệu dừa để chế biến thành các món ăn đặc sản.
Bà Tải Thúy Diễm, chủ cơ sở sản xuất các món ăn đặc sản quê Cô Diễm chia sẻ: đến lớp tập huấn này, tôi được học hỏi thêm kiến thức ứng dụng kinh doanh điện tử, tìm kiếm thị trường, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm thiết kế bao bì, đóng gói đạt chuẩn, để nâng tầm thương hiệu. Kinh doanh bằng thương mại điện tử giúp cơ sở nói riêng cũng như cộng đồng DN nói chung sẽ cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả đối với các hoạt động sản xuất, nâng tầm thương hiệu sản phẩm cạnh tranh với thị trường. Với nghề truyền thống, cộng thêm kinh nghiệm khéo léo, tinh tế và nắm bắt thị trường, bà Diễm đã chế biến thành công trên 40 sản phẩm món ăn đặc sản quê cung cấp thị trường tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh như: chè các loại, mứt dừa, rau câu dừa, dầu dừa, nước màu dừa, cốm dẹp, cơm cháy kho quẹt và mắm các loại… tổng doanh thu trên 30 triệu đồng/tháng, lợi nhuận 05 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm 04 lao động nông thôn, thu nhập 03 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Diễm, tuy thị trường đầu ra hiện nay còn khiêm tốn, chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, nên số lượng khó kiểm soát, có ngày không có đơn đặt hàng nào. Bà Diễm cho biết thêm: dừa là một trong những nguyên liệu chính chế biến thành các món ăn đặc sản quê. Trước đây, bà chế biến một món chè duy nhất, sau đó, nhận thấy trái dừa có thể chế biến nhiều món ăn khác nên bà nghiên cứu, học hỏi và chế biến thành mứt dừa, dầu dừa, cốm dẹp pha dừa, rau câu dừa, nước màu dừa, các loại chè pha nước cốt dừa,… bình quân giá sản phẩm bán ra thị trường khoảng 40.000 đồng/kg, riêng mặt hàng rau câu dừa từ 5.000 - 20.000 đồng/trái.
Gần đây, bà chế biến thêm chè thốt nốt và đây là sản phẩm được thị trường ưa chuộng nhiều nhất. Song song đó, bà chế biến thêm mặt hàng mắm cá lóc, mắm bò hóc để nấu nước lèo, mắm tép, cá đồng… giá bán từ 70.000 - 220.000 đồng/kg. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, giải quyết việc làm lao động, bà Diễm giải quyết đầu ra sản phẩm dừa trái cho nông dân huyện Trà Cú, Tiểu Cần, bình quân 1.000 - 2.000 trái dừa/tháng.
Thời gian tới, để món ăn đặc sản quê Cô Diễm có khả năng cạnh tranh với thị trường, cơ sở mong các ngành cũng như Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ vốn đầu tư mở rộng nhà xưởng, dây chuyền sản xuất như máy đóng hộp, máy hút chân không giúp sản phẩm làm ra của cơ sở bảo quản lâu hơn.
Hợp tác xã (HTX) Tân Qui, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè là một trong những đối tượng được thụ hưởng từ chương trình hoạt động của Dự án SME Trà Vinh, để từ đó xây dựng chiến lược phù hợp trong việc nghiên cứu, phát triển và mở rộng thị trường, định hướng kinh doanh hình thành vùng sản xuất cung ứng bền vững, hiệu quả.
Được biết, HTX Tân Qui được thành lập từ tháng 6/2018 do phụ nữ quản lý có 12 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn cù lao Tân Qui. Đây là mô hình do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ thành lập với nguồn vốn hỗ trợ 100 triệu đồng nhằm giúp chị em có thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Bà Đồng Thị Mai Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Tân Qui cho biết: HTX hoạt động với các loại hình sản xuất nấm bào ngư, hàng thủ công mỹ nghệ, ương dưỡng cây ăn trái giống và thu mua các loại trái cây của thành viên và người dân cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh, tổng doanh thu khoảng 150 triệu đồng/tháng, lợi nhuận 20 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm khoảng 100 lao động nữ tại địa phương tham gia lao động lúc nhàn rỗi, thu nhập từ 1,8 - 1,9 triệu đồng/tháng.
Theo bà Linh, gần đây sản phẩm trái cây của HTX đã tiếp cận Siêu thị GO!; tuy sản phẩm trái cây tiếp cận hệ thống siêu thị nhưng số lượng không nhiều, do đó, tham gia lớp tập huấn lần này bà học hỏi kiến thức kinh doanh qua kênh thương mại điện tử và huy động vốn, từ đó giúp HTX có thêm khả năng liên kết và chia sẻ thông tin giữa DN, nhà cung cấp, nhà phân phối và khách hàng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, bán hàng. Đồng thời, huy động vốn của các thành viên để nâng nguồn vốn hoạt động của HTX thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, HTX mong muốn các ngành hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy sấy nấm, xây dựng thương hiệu măng cụt và chôm chôm.
Có thể nói, chuyên đề tăng trưởng kinh doanh cùng thương mại điệu tử, phát triển thương hiệu cho sản phẩm và DN, nâng tầm thương hiệu và bao bì đúng quy chuẩn và kỹ năng trình bày tài liệu và đàm phán huy động vốn, là một trong những chuỗi hoạt động của Dự án SME Trà Vinh nhằm định hướng cho DN nhỏ và vừa bắt nhịp theo xu hướng kinh doanh thương mại điện tử. Thương mại điện tử hay kinh doanh online, nhằm tập trung vào mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thông tin qua các mạng, các phương tiện điện tử và internet giúp DN, hộ kinh doanh, cơ sở, HTX kết nối với đối tác, khách hàng thúc đẩy kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.