01/07/2024 08:37
Điểm cầu nổi ven Sông Hậu ra bãi tắm Cồn Tiên được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2024.
Từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch hàng năm, là thời điểm trái cây chín. Đến đây, du khách sẽ được tham quan vụ mùa thu hoạch trái cây; du khách không những thỏa thích tham quan phong cảnh khắp các khu vườn, mà còn được trải nghiệm tự hái trái cây xuống thưởng thức tại chỗ. Không chỉ được hòa mình trong không khí mát mẻ, yên tĩnh của vùng quê sông nước với nhiều chủng loại trái cây, du khách khi đến Tân Qui còn được thưởng thức ẩm thực các món ăn dân dã của người dân vùng đất cù lao Tân Qui như gỏi gà măng cụt, cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng...
Du khách Nguyễn Thị Thảo cho biết: lần đầu qua cù lao Tân Qui, ấn tượng đầu tiên đó là không khí, phong cảnh khá thơ mộng; nhà vườn ở đây vui vẻ, hòa nhã với khách và giá cả trái cây ở cù lao khi du khách đến thưởng thức tại vườn không bị “chặt chém”. Hệ thống giao thông và phương tiện phà qua lại cù lao khá an toàn, môi trường sạch sẽ…
Về xứ cù lao Tân Qui những ngày này, du khách dễ dàng nhận thấy sự đổi thay vượt bậc của vùng quê một thời khó khăn, cách trở sông nước đã qua. Trong lộ trình XDNTM, đến nay, huyện Cầu Kè đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; đã khoác áo mới cho vùng quê sông nước ở cù lao Tân Qui có sự đổi thay rất lớn.
Những con đường đất mưa lầy đã được thay bằng những đường bê-tông, đường nhựa chạy dọc xuyên suốt như “ô bàn cờ” trên vùng đất cù lao Tân Qui; bên cạnh kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước sạch… được đầu tư khá hoàn chỉnh, cù lao Tân Qui còn đưa vào các điểm phục vụ, thu hút khách du lịch đến tham quan như: cầu nổi ven Sông Hậu; khu du lịch Thanh Trà quán; điểm hẹn Út Rụp... sự đổi thay này đã giúp cho vùng đất cù lao Tân Qui trở thành chốn ghé thăm, vui chơi của nhiều du khách gần xa.
Nhà vườn Lưu Thanh Phong, ấp cù lao Tân Qui 2, xã An Phú Tân chia sẻ: đầu năm 2024, được địa phương đầu tư xây dựng và đưa vào điểm cầu nổi ven Sông Hậu để đưa khách ra cồn nổi (có tên gọi Cồn Tiên) đến tắm và vui chơi; thu hút khá đông khách đến vui chơi và lượng khách tăng trên 30% so với thời điểm chưa có điểm cầu nổi. Về giá, các mặt hàng ăn uống, giải khát phục vụ khách du lịch không tăng; ý thức và phong cách phục vụ của các hộ tham gia làm dịch vụ du lịch cũng được nâng lên. Riêng gia đình cũng đầu tư thêm nguồn vốn để trang trí, sửa chữa điểm phục vụ khách du lịch khang trang hơn.
Du khách tham quan và thưởng thức trái cây tại nhà vườn của ông Mạch Văn Me, ấp cù lao Tân Qui 1, xã An Phú Tân.
Cù lao Tân Qui có diện tích tự nhiên khoảng 900ha, trong đó có hơn 500ha vườn cây ăn trái. Trong phát triển du lịch cộng đồng ở cù lao Tân Qui, được huyện quan tâm đầu tư, gắn với xây dựng xã An Phú Tân đạt NTM kiểu mẫu và cù lao Tân Qui không rác thải nhựa sinh hoạt. Trong năm 2024, Tân Qui đưa vào sử dụng đường nhựa kết hợp đê bao dài 6,5km; Khu Du lịch sinh thái Nam Sơn (kinh phí đầu tư khoản 40 tỷ đồng)… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cù lao thu hút hơn 9.000 lượt khách tham quan, doanh thu ước đạt 1,7 tỷ đồng.
Ông Cao Văn Phụ, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân cho biết: hiện trên địa bàn cù lao Tân Qui có 03 sản phẩm đạt OCOP đạt 3 sao, gồm “Trái măng cụt Tân Qui”, “Mứt chuối tá quạ”, “Trái chôm chôm tươi”. Trong thời gian tới, thông qua Hợp tác xã Tân Qui sẽ xây dựng sản phẩm OCOP trái sầu riêng và trái măng cục Tân Qui theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.