24/08/2024 08:43
Du khách trải nghiệm tìm dừa sáp tại vườn Dừa sáp Ba Thúy, xã Hòa Tân.
Năm 1924, sau khi hoàn thành khóa tu học tại nước ngoài, Hòa thượng Thạch Sô trở về chùa Botumsakor, ở Khóm 5, thị trấn Cầu Kè và mang theo 02 cây dừa sáp giống để trồng tại chùa. Ban đầu, cây dừa sáp chủ yếu được Phật tử và vài hộ dân ở địa phương trồng ăn trong gia đình hoặc làm quà biếu. Nhờ hương vị độc đáo nên người dân truyền tai nhau; đến nay, loại quả này đã trở thành đặc sản của huyện cầu Kè. Với 02 cây dừa sáp giống ban đầu, đến nay trên địa bàn huyện đã có 171.468 cây dừa sáp trồng trên diện tích 1.145,7ha, với sản lượng bình quân mỗi năm trên 03 triệu trái.
Hiện trái dừa sáp được bán với giá dao động khoảng 100.000 đồng/trái, có thời điểm hút hàng giá tăng lên 200.000 đồng/trái, nên mang lại hiệu quả kinh tế rất cao so với các giống dừa thường, cải thiện đáng kể thu nhập của trên 2.000 hộ trồng dừa sáp trên địa bàn huyện Cầu Kè. Trái dừa sáp có hình dáng khá giống với dừa thường nhưng điểm đặc biệt là bên trong cơm rất dày, mềm, béo dẻo và gần như đặc ruột, cùng với một ít nước sệt quánh nhẹ.
Có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của dừa sáp bằng cách ăn liền hay làm sinh tố, kem. Có nhiều thực khách thưởng thức dừa sáp theo cách phong trần, bổ đôi trái ra, cắt miếng vỏ cứng của trái làm muỗng múc thưởng thức hết hương vị đặc trưng của loại trái cây đặc sản này. Muốn tìm cảm giác lạ miệng hơn, cơm dừa sau khi nạo xong cho vào máy quay làm sinh tố, bỏ thêm chút sữa tươi, đường cát, nước đá và thêm ít đậu phộng rang thế là có ly sinh tố dừa sáp vừa béo, vừa thơm ngọt, mát lạnh tạo nên hương vị đặc trưng.
Khi đến với Cầu Kè, khách du lịch thường tìm mua bằng được loại trái đặc sản này mang về làm quà cho người thân, bạn bè. Trái dừa sáp đặc ruột với cơm dừa dày, mềm mại, hương vị thơm ngon và béo hơn nhiều so với các giống dừa thông thường. Nước dừa sáp thường đặc như kẹo và trong suốt như sương sa. Khi uống nước dừa sáp sẽ cảm nhận được vị ngọt, thanh mát, vô cùng hương thơm và chứa giá trị dinh dưỡng cao.
Du khách tỉnh Phú Yên trải nghiệm hương vị của nước dừa sáp.
Những năm gần đây, các nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô, cho tỷ lệ trái sáp đạt 70 - 90%/buồng, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ đạt sáp của giống cây dừa sáp truyền thống (chỉ 10 - 20%/buồng).
Không chỉ vậy, giống dừa sáp cấy phôi còn có thể trồng ở nhiều vùng đất khác nhau, không như giống dừa truyền thống rất kén thổ nhưỡng, chỉ có thể thích nghi ở vùng đất Cầu Kè. Bình quân mỗi năm, 01 cây dừa sáp truyền thống cho từ 20 - 40 trái sáp, trong khi với dừa sáp cấy phôi, sản lượng đạt gấp 05 lần trở lên. Vì vậy, nhiều hộ trồng dừa sáp ở huyện Cầu Kè đang thay dần giống dừa sáp cấy phôi vì lợi nhuận cao. Đến nay, trong số trên 1.145ha diện tích dừa sáp của huyện, có trên 20ha dừa sáp cấy phôi.
Dừa sáp truyền thống là giống gen quý, nên địa phương đang tích cực tuyên truyền người dân không chặt bỏ cây dừa sáp truyền thống để trồng dừa sáp cấy phôi.
Dừa sáp không chỉ là một món dừa ngon được tạo ra tự nhiên mà còn là biểu tượng đặc trưng cho vẽ đẹp của quê hương Cầu Kè. Dừa sáp cũng là một trong những món ăn được yêu thích của nhiều thực khách, mang đến một trải nghiệm ẩm thực độc đáo và hấp dẫn.
Ai đã từng du lịch đến vùng đất của những trái dừa sáp đều sẽ mang theo một cảm giác thú vị và khó quên. Trái dừa sáp truyền thống đặc sản trứ danh của xứ Trà sẽ được bảo tồn và tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở địa phương.
Tin, ảnh: QUANG HUY
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.