28/08/2023 09:23
Nông dân Nguyễn Văn Đậm (trái) trao đổi với đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài về hiệu quả giống lúa OM5451 được bao tiêu sản phẩm.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: ngày 10/8/2023, Sở đã triển khai Công văn số 1752/SNN-BVTV về việc tăng cường chỉ đạo xuống giống lúa vụ thu - đông, mùa năm 2023 và triển khai Kế hoạch sản xuất lúa vụ đông - xuân 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến với các địa phương và đơn vị trực thuộc để vận động, tuyên truyền người dân tuyệt đối tuân thủ khung lịch thời vụ, tranh thủ xuống giống sớm đồng loạt, tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng...
Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả như: áp dụng kỹ thuật canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, ứng dụng cơ giới hóa nhằm giảm chi phí sản xuất lúa và canh tác thích ứng trong điều kiện mưa, bão, hạn hán, xâm nhập mặn.
Trong vụ lúa hè - thu năm 2023, diện tích xuống giống đạt 68.398ha vượt 0,59% so kế hoạch (68.000ha); qua đó, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch gần 15.000ha. Cụ thể: huyện Càng Long thu hoạch dứt điểm, các huyện Châu Thành, Cầu Kè và Tiểu Cần đang thu hoạch. Các diện tích lúa hè - thu đã thu hoạch xong được nông dân tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống, trong tháng 8/2023, nông dân các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần đã xuống giống với diện tích gần 8.000ha, nhanh hơn so với cùng kỳ trên 7.600ha.
Nông dân Nguyễn Văn Đậm, ấp Ô Tre lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành cho biết: gia đình có 04ha đất trồng lúa, vụ lúa hè - thu năm 2023, gia đình sản xuất giống OM 5451, đạt năng suất 7,5 tấn/ha. Thương lái thu mua lúa vụ này khá cao, dao động từ 8.350 - 8.400 đồng/kg; trừ chi phí, lời trên 30 triệu đồng/ha, tăng khoảng 05 triệu đồng/ha so với vụ lúa đông - xuân năm 2022 - 2023.
Nông dân Nguyễn Văn Thu, Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: hiện nay, với giá lúa cao hơn so với vụ đông - xuân khoảng 1.350 -1.400 đồng/kg và các ruộng lúa trong giai đoạn chuẩn bị chín đều được thương lái đến đặt cọc. Hiện nay, tình trạng lúa nằm đồng không còn và tiến độ thu hoạch rất nhanh do nhu cầu lái thu mua lúa tăng cao. Gia đình vừa mới thu hoạch xong 0,5ha lúa, đang khẩn trương làm đồng để tiếp tục xuống giống vụ lúa thu - đông năm 2023. Với giá lúa như hiện nay, nông dân rất phấn khởi.
Trước áp lực về giá lúa tăng mạnh như hiện, bên cạnh có sự cạnh tranh thu mua từ các thương lái đã gây không ít khó khăn cho các mô hình liên kết có bao tiêu sản phẩm giữa các hợp tác xã và thành viên. Bên cạnh đó, tình hình giá vật tư nông nghiệp cũng đang tăng mạnh so với đầu vụ lúa hè - thu năm 2023; điển hình như phân Urê Cà Mau tăng 900 đồng/kg, Kali tăng 300 đồng/kg, NPK 20-20-15 tăng 800 đồng/kg, riêng đối với loại phân DAP tăng mạnh nhất với 1.600 đồng/kg so với đầu tháng 8/2023.
Theo ông Lê Phước Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên (huyện Trà Cú): hiện hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất gần 900ha với nông dân và thành viên; với giống lúa chủ lực của đơn vị liên kết trồng là ST 25. Thời điểm khi giá lúa chưa tăng, hộ tham gia liên kết được hợp tác xã thu mua cao hơn thị trường từ 1.100 -1.200 đồng/kg; hiện nay, do áp lực thu mua lúa từ các thương lái đã ảnh hưởng rất lớn với người tham gia chuỗi liên kết. Nếu tăng giá thu mua theo các giống lúa thương mại như OM 4900, OM 5451… thì giá thành lúa ST sẽ tăng hơn 2.000 đồng/kg.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.