31/01/2024 07:16
Lãnh đạo Hội Nông dân xã, ấp khảo sát rẫy màu của nông dân Kim Xuân.
Nông dân Kim Xuân, ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa có kinh nghiệm trồng màu bán Tết nhiều năm cho biết: ngoài diện tích 0,5ha dưa leo, khổ qua đang thu hoạch bình quân từ 500 - 600kg/ngày và còn chuẩn bị thu hoạch 1.500m2 khổ qua. Hiện tại ông đã xuống giống thêm 0,5ha dưa leo để bán trong và sau Tết.
Theo ông Xuân, dưa leo, khổ qua là 02 loại cây trồng có thời gian ngắn ngày, nhanh thu hoạch. Những năm gần đây, gia đình ông chọn 02 loại cây màu trên trồng xoay vòng 04 vụ/năm, lợi nhuận bình quân đạt 10 triệu đồng/1.000m2. Riêng tháng cuối năm này với giá rau màu đang biến động tăng lên, lợi nhuận ước đạt 15 triệu đồng/1.000m2.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng dội hàng, vụ rau màu tết Nguyên đán năm nay, ông xuống giống sớm hơn mọi năm, tính toán phương án đa dạng cây trồng và cân đối diện tích, ổn định đầu ra. Các loại dưa leo, khổ qua được trồng xen kẽ, nối vụ để không thu hoạch đồng thời, tránh bị mất giá. Giá dưa leo, khổ qua hiện đang tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi, nhất là dưa leo hiện đang tăng cao giá bán 9.000 đồng/kg, khổ qua 7.000 đồng/kg. Với mức giá này và có thể tăng vào dịp cuối năm, người trồng màu có nguồn thu nhập cao.
Vụ màu Tết này, nông dân Sơn Minh, ấp Bình La, xã Lương Hòa chọn cây khổ qua trồng 0,3ha hiện đang chuẩn bị thu hoạch, giá bán 7.000 đồng/kg. Theo ông Minh, mỗi năm vào dịp Tết, nông dân tập trung xuống giống nhiều chủng loại hoa màu, tăng số lượng và diện tích trồng, số lượng rau màu Tết có nhu cầu tăng cao hơn những tháng thường trong năm, do đó, diện tích trồng rau màu ngắn ngày tăng theo. Tuy nhiên, hàng năm gia đình ông chọn cây khổ qua trồng phục vụ thị trường Tết. Vì khổ qua là loại rau ăn quả có sức tiêu thụ mạnh vào dịp cuối năm và giá bán tăng lên gấp 03 - 04 lần so với ngày thường, nhất là giá tăng cao trong 03 ngày cuối năm.
Đồng chí Sơn Hồng Minh, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban Nhân dân ấp Bình La cho biết: toàn ấp hiện có 230ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 03ha đất trồng thâm canh hoa màu chủ yếu rau ngắn ngày khổ qua, dưa leo và rau cải các loại. Những năm qua, đời sống của người dân trong ấp ngày càng được nâng lên, nhất là từ khi chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Đến nay, toàn ấp có 489 hộ với 2.005 nhân khẩu, đồng bào Khmer chiếm trên 97%, hộ nghèo của ấp còn 03 hộ, 04 hộ cận nghèo. Năm 2024, ấp phấn đấu giữ vững tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,23%.
Tuy diện tích trồng màu của ấp ít nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 03 - 04 lần so với cây lúa. Đặc biệt vào dịp Tết hàng năm, nông dân trong ấp tập trung xuống giống nhiều nhất 02 chủng loại cây trồng dưa leo và khổ qua phục vụ thị trường trong và sau Tết, 02 loại cây trồng này có thời gian trồng ngắn, thu hoạch kéo dài từ 20 - 30 ngày kết thúc, giá bán cao nên lợi nhuận dịp Tết rất cao, nhất là khổ qua thời gian thu hoạch kéo dài 30 ngày, lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/0,1ha.
Theo đồng chí Sơn Hồng Minh, đối với cây lúa, mặc dù giá lúa năm 2023 có khả thi hơn những năm trước nhưng lợi nhuận vẫn không cao bằng việc trồng màu. Bên cạnh đó, ấp vận động phát triển thành lập kinh tế hợp tác, hợp tác xã giúp nông dân giải quyết đầu ra, yên tâm sản xuất. Cùng với đó, các thành viên tổ hợp tác trồng màu của ấp được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 10 triệu đồng/thành viên vay phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ngoài phát triển vùng chuyên canh cây màu, nông dân trong ấp kết hợp đa ngành nghề như trồng màu, trồng lúa kết hợp với chăn nuôi bò, vịt, gà, heo. Tuy số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn không nhiều do biến động về giá nên nông dân thường xuyên chuyển đổi đa dạng con nuôi.
Trong năm 2023, tổng đàn heo trên địa bàn ấp 200 con, 420 con bò. So với con bò, lợi nhuận từ việc nuôi gà, vịt, heo không nhiều nhưng có thời gian nuôi ngắn. Đối với con bò hiện nay giá sụt giảm mạnh nhưng người nuôi lấy công làm lời và tận dụng phụ phẩm sau thu hoạch từ trồng màu và trồng lúa mang lại lợi nhuận ổn định.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.