30/11/2024 11:13
Anh Đào Văn Hiếu (bên trái) trao đổi với cán bộ kỹ thuật về hiệu quả mô hình nuôi lồng ghép cá trong ao tôm.
Từ năm 2023, nhiều nông dân ở các xã Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Long Sơn (huyện Cầu Ngang) đã phát triển mô hình nuôi lồng ghép trong ao tôm với cá rô phi Genomar (rô phi Nauy) vừa tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của tôm nuôi, vừa làm sạch môi trường, đồng thời tạo đầu ra sản phẩm ổn định theo liên kết bao tiêu sản phẩm (cá rô phi Nauy). Hiện trên địa bàn huyện có hơn 35ha mặt nước nuôi tôm lồng ghép với thả nuôi cá rô phi Nauy. Bình quân, người nuôi thu được lợi nhuận trên 10.000 đồng/kg cá cùng với giá trị của con tôm.
Đồng chí Nguyễn Trí Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Ngang cho biết: trong 10 tháng năm 2024, tình hình nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, so với cùng kỳ, diện tích thả nuôi giảm hơn 700ha. Nguyên nhân là chi phí đầu vào trong nuôi tôm tăng; trong khi đó giá tôm thương phẩm giảm; người nuôi không có lợi nhuận và môi trường nuôi cũng không được thuận lợi… Việc đa dạng con giống thủy sản trong nuôi lồng ghép ở ao tôm, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận cùng với con tôm.
Ghi nhận tại mô hình nuôi cá rô phi Nauy lồng ghép trong ao thả tôm thẻ chân trắng của hộ anh Đào Văn Hiếu, ấp Bờ Kinh 1, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang. Sau gần 05 tháng thả nuôi cá lồng ghép trong ao tôm thẻ chân trắng trên diện tích 0,2ha mặt nước (trong đó, thả 9.000 con cá rô phi Nauy và 30.000 con tôm thẻ chân trắng). Qua đó, anh Hiếu đã thu được 7,2 tấn cá rô phi Nauy, giá bán 37.000 đồng/kg và gần 500kg tôm thẻ chân trắng, giá bán 105.000 đồng/kg; trừ chi phí, thu vào gần 120 triệu đồng. Tỷ lệ lợi nhuận đạt gần 60% so với tổng chi phí đầu tư.
Anh Đào Văn Hiếu chia sẻ: gia đình trước đây nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng công nghiệp, nhưng gặp nhiều rủi ro, tỷ lệ lợi nhuận khá bấp bênh. Sau khi liên kết với doanh nghiệp nuôi lồng ghép cá cô phi Nauy, gia tăng được giá trị kinh tế gấp 02 - 2,5 lần nếu ao nuôi thuần con tôm. Đặc biệt, trong quá trình nuôi lồng ghép cá, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc kháng sinh, các chất hóa học và giảm thiểu được ô nhiễm môi trường nuôi, hạn chế lượng thức ăn dư thừa trong ao tôm; tỷ lệ sống của cá trên 90% và tôm trên 80%.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Trí Thông, hiện nay, điều kiện để mở rộng nuôi lồng ghép các loài thủy sản để tận dụng diện tích ao tôm trong nông dân còn rất lớn. Thời gian tới, huyện sẽ mở rộng mô hình nuôi lồng ghép một vài loài thủy sản có hiệu quả (như cá rô phi Nauy, cá kèo…) vào trong ao nuôi tôm, nhằm giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời, cũng thông qua các ngành, đơn vị phối hợp như Hội Nông dân huyện để đầu tư hỗ trợ vốn cho người nuôi tiếp tục có điều kiện phát triển mở rộng quy mô về hình thức lẫn diện tích.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Hiện nay, nhu cầu về sử dụng rau sạch là tất yếu của mọi gia đình. Để đảm bảo cung cấp nguồn rau xanh, sạch và an toàn, nhiều gia đình đã trồng rau thủy canh, thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH), điều kiện đất ít... Tuy nhiên, quy trình, kỹ thuật, nhất là hiệu quả mang lại chưa cao. Dự án Mekong Salt Lab - Dự án hỗ trợ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về BĐKH, xâm nhập mặn do Chính phủ Vương quốc Hà Lan và Tổ chức Doanh nghiệp Hà Lan tài trợ, đã thực nghiệm 06 mô hình. Trong đó, trồng rau thủy canh triển vọng nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh.