08/05/2022 08:56
Tính đến cuối tháng 4/2022, toàn tỉnh đã 695 lượt hộ thả nuôi cá lóc, trên diện tích 119ha (đạt 19,2% so với kế hoạch), với 46,36 triệu con giống. Cá tra có 18 lượt hộ thả nuôi trên diện tích 10,5ha (đạt 17,5% so với kế hoạch, tăng 3,49ha so với cùng kỳ), với 3,9 triệu con giống, sản lượng thu hoạch 4.041 tấn (đạt 89,8% so với kế hoạch, tăng 3.766 tấn so với cùng kỳ).
Thời gian gần đây, giá thức ăn thủy sản liên tục tăng, khiến người nuôi thủy sản đang đối mặt với nhiều khó khăn khi giá cá liên tục giảm, đầu ra gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ chậm. Những ngày cuối tháng 4/2022, vùng nuôi cá nước ngọt ở các xã Tân Hòa, Tân Hùng, Ngãi Hùng, Hùng Hòa (huyện Tiểu Cần), người nuôi như đang “ngồi trên đống lửa” khi cá đã đến kỳ xuất bán, nhưng giá cá ngày càng giảm, thương lái thu mua “nhỏ giọt”. Với thực trạng này người nuôi đang cầm chắc thua lỗ.
Ông Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện chủ yếu là cá lóc và cá tra. Với tình hình hiện nay, số diện tích thả nuôi sẽ khó đạt theo kế hoạch và các ao cá lóc hiện chủ yếu là sản lượng cá đang có trong ao, việc thả nuôi mới chưa có hộ nào thực hiện. Riêng giá cá tra đang ở mức khá cao (khoảng 27.000 đồng/kg), người nuôi lời khoảng 4.000-4.500 đồng/kg, nhưng lượng cá ở trong ao rất ít (diện tích thả nuôi 1,21ha/11 lượt hộ, với 307.000 con giống). Đối với diện tích nuôi cá lóc có 77 lượt hộ thả nuôi với 7,47ha mặt nước/4,1 triệu con giống.
Về lại vùng trọng điểm với nghề nuôi cá của xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần (từ năm 2015-2016) dao động 4,5-05ha mặt nước, cuối tháng 3/2022 giảm còn 01ha/07 ao. Theo ông Bùi Chí Linh, cán bộ Nông nghiệp - Môi trường xã Tân Hòa: hiện nay người nuôi cá tra đều có lời, nhưng lượng cá nuôi mới thì không có, chủ yếu cá lưu ao từ năm 2021; phần lớn ao nuôi cá tra được chuyển sang nuôi cá lóc hay “treo ao”.
Theo chiết tính của anh Trần Văn Đệ, ấp Cao Một, xã Tân Hòa: từ cuối năm 2021 đến nay, giá thức ăn cho cá tra tăng bình quân khoảng 3.000 đồng/kg; trung bình người nuôi cá tra sau thời gian khoảng 07-08 tháng cá sẽ đạt chuẩn từ 0,85 - 1,2kg/con. Khi đó, chi phí 01kg cá thương phẩm bằng 1,5kg phẩm thức ăn (thức ăn 14.500 - 15.000 đồng/kg) + tỷ lệ hao hụt 20% + giá cá giống 600-700 đồng/con… người nuôi cũng lời khoảng 5.000 đồng/kg cá nhưng các hộ nuôi mới thì chưa dám thả, do lo ngại giá cá tra chưa ổn định.
Nông dân xã Đại An, huyện Trà Cú thu hoạch cá lóc.
Về giá cá lóc thương phẩm hiện nay, khoảng 32.000 - 33.000 đồng/kg (loại 1, từ 01 - 1,2kg/con), tuy nhiên, với giá cá như vậy, người nuôi cá lóc lỗ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Do tình trạng “neo cá” của các thương lái và đầu ra không có… từ đó, làm gia tăng chi phí đầu tư (thức ăn) khi cá vượt ngưỡng phát triển, thời gian nuôi càng dài (sau khi cá đạt trọng lượng trên 1,2kg/con), khả năng tiêu tốn thức ăn cao, nhưng cá tăng trọng giảm. Hiện trên địa bàn xã Đại An, huyện Trà Cú còn khoảng 45 hộ đang nuôi cá lóc, với diện tích mặt nước 6,02ha (khoảng 2,5 triệu con).
Anh Thạch Chung, hộ nuôi cá lóc ở ấp Mé Rạch B, xã Đại An không khỏi lo lắng cho biết: do có quá nhiều hộ tự phát với nghề nuôi cá lóc, nên mỗi khi giá cá rớt là kéo theo cả hệ lụy đến với nhiều người nuôi. Khi cá đến giai đoạn phải thu hoạch, nếu không bắt bán sẽ gánh thêm chi phí về thức ăn, ô nhiễm môi trường nước… Nếu “cầm cự” thì người nuôi càng lỗ do cá sẽ rơi vào giai đoạn chậm tăng trọng (khi cá đạt trọng lượng 0,8 - 01kg/con) và hệ số tiêu thụ thức ăn ở cá lớn tăng mạnh. Với giá cá hiện nay, bình quân người nuôi lỗ khoảng 3.500 - 4.000 đồng/kg.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Sáng ngày 20/12, tại huyện Cầu Kè, đoàn công tác Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh do ngài Ngụy Hoa Tường, Tổng Lãnh sự, làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh và tham quan, khảo sát vùng trồng dừa sáp của huyện Cầu Kè.