08/03/2021 08:17
Nông dân xã Hòa Minh, huyện Châu Thành với mô hình nuôi tôm càng xanh.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cuối năm 2020, giá trị sản xuất đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng/ha/năm (chỉ tiêu NQ 125 triệu đồng/ha/năm), tăng 21,82 triệu đồng/ha/năm so với năm 2013; giá trị sản xuất đất nuôi thủy sản đạt 360 triệu đồng/ha/năm (chỉ tiêu NQ 260 triệu đồng/ha/năm), tăng 153,43 triệu đồng/ha/năm so với năm 2013. Năng suất lao động nông, lâm, thủy sản bình quân giai đoạn 2014 - 2020 đạt 6,72% (chỉ tiêu NQ 05%); năm 2020, ước đạt 32 triệu đồng/lao động (năm 2013 đạt 17 triệu đồng/lao động); giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xác định dưới hình thức hợp tác và liên kết cuối năm 2020 khoảng 25%.
Kết quả trên cho thấy, thực hiện cơ cấu lĩnh vực thủy sản đã tạo chuyển biến đúng hướng với cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, nhất là cơ cấu sản phẩm: giai đoạn 2014 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thủy sản đạt 8,61%/năm; tốc độ giá trị gia tăng đạt trên 08%/năm; tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản trong ngành nông, lâm thủy sản cuối năm 2020 tăng gần 14% so với năm 2014. Tổng sản lượng thủy sản đạt 230.440 tấn năm 2020, tăng 67.690 tấn so với năm 2013; giá trị sản xuất thu được 01ha đất nuôi thủy sản đạt 360 triệu đồng, gấp 1,74 lần so với năm 2013.
Để đạt mức tăng trưởng lĩnh vực thủy sản hàng năm như đã nêu, các ngành chuyên môn, các địa phương đã tập trung chỉ đạo rà soát xây dựng 04 quy hoạch vùng sản xuất và sản xuất giống thủy sản, xác định đúng, phù hợp các đối tượng nuôi chủ lực: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra, cá lóc, nghêu... điều chỉnh cơ cấu con nuôi, phát triển vùng nuôi tập trung, phù hợp với vùng sinh thái, tự nhiên. Thông qua đầu tư kết cấu hạ tầng, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển toàn diện ở 03 vùng (mặn, lợ, ngọt); đa dạng hóa hình thức nuôi và đối tượng con nuôi. Vận động nông dân thực hiện chuyển đổi 6.677ha; chuyển đổi hình thức nuôi từ quảng canh sang nuôi thâm canh, bán thâm canh từ 8.520ha năm 2013 đến cuối năm 2020 hơn 11.000ha; duy trì hơn 5.750ha nuôi tôm sinh thái kết hợp trồng rừng tập trung ở huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải; lúa - thủy sản 5.600ha ở các huyện Châu Thành, Cầu Ngang và Duyên Hải. Nhờ đó, diện tích và sản lượng nuôi thủy sản tăng qua các năm, năm 2020 đạt 62.500ha. Trong đó, tôm nước lợ 34.000ha, tăng bình quân 2,87%/năm cho cả giai đoạn, sản lượng đạt 154.450 tấn (tôm nước lợ 70.200 tấn), tăng 8,3%/năm.
Để giữ vững ổn định và tăng trưởng lĩnh vực thủy sản hàng năm, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất tôm sú giống chất lượng cao; mô hình tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao và hoàn chỉnh 05 quy trình kỹ thuật ương nuôi ấu trùng tôm thẻ chân trắng từ Nauplius nhập nội đến PL 12 nuôi vỗ thành thục tôm thẻ chân trắng bố mẹ và cho đẻ, sản xuất giống tôm thẻ chân trắng nhân tạo, sản xuất nghêu cám trên ao lót bạt, ương nghêu cám lên nghêu giống, góp phần tăng năng suất nuôi cao hơn từ 02- 03 lần so với sản xuất đại trà, tỷ lệ sống trên 80%, mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
Giai đoạn 2014 - 2020, ngoài lĩnh vực nuôi, kết quả khai thác thủy, hải sản cũng được tăng cường và hiệu quả, nhất là khai thác xa bờ; tập trung nâng cấp, hỗ trợ đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác; cải hoán, đóng mới 05 tàu, toàn tỉnh hiện có 1.180 tàu, tổng công suất 144.970CV, tăng 63.508CV (có 261 tàu dài từ 15m trở lên), góp phần đưa sản lượng khai thác cuối năm 2020 đạt 75.990 tấn (tăng 1.607 tấn so với năm 2013); cấp 1.863 giấy phép khai thác hải sản và 1.833 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu; hỗ trợ 162 tàu cá dài từ 15m trở lên lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình VMS theo quy định; duy trì mô hình liên kết khai thác, dịch vụ hậu cần gắn với sản xuất tổ, đội trên biển, củng cố 53 tổ hợp tác khai thác trên biển (35 tổ khai thác xa bờ). |
Riêng lĩnh vực tiêu thụ nông sản cho nông dân, Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long, Tập đoàn Minh Phú, doanh nghiệp tư nhân Quận Nhuần và các cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thu mua gần 100% tôm nguyên liệu (tôm sú và tôm thẻ) để chế biến xuất khẩu; doanh nghiệp tư nhân Minh Đức thông qua các thương lái, trung bình mua 100-120 tấn cá lóc/ngày cung cấp các tỉnh như: Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ, Tây Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận... Có thể khẳng định rằng, thông qua các hoạt động hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản trong giai đoạn này đã mang lại hiệu quả cả về kinh tế - xã hội, môi trường, tạo điều kiện và hỗ trợ sản xuất quy mô diện tích đất ít đã tham gia hợp tác, liên kết sản xuất tốt hơn; giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập; giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Về hạ tầng cung cấp điện phục vụ vùng nuôi tôm tập trung, giai đoạn 2014-2020, tỉnh đã đầu tư 25km đường dây trung thế, 46,57km đường dây hạ thế, 40 trạm biến áp, dung lượng 7.855kVA nhằm phục vụ nuôi tôm công nghiệp khu vực tại 04 huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, tổng kinh phí 38,9 tỷ đồng. Nhờ đó, hệ thống điện phục vụ nuôi thủy sản được đầu tư đồng bộ phục vụ nuôi tôm công nghiệp, đã phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, góp phần phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm nông nghiệp, tăng thủy sản theo đúng định hướng của tỉnh, hình thành một số vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực của tỉnh; diện tích ứng dụng công nghệ ngày càng cao, mở rộng và tạo đột phá để tăng năng suất, chất lượng trong quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.