19/04/2021 09:52
Theo Ban Chỉ đạo phát triển và chuyển đổi mô hình quản lý chợ tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ chuyển đổi mô hình tổ chức kinh doanh, khai thác và quản lý từ Ban Quản lý chợ hoặc UBND cấp xã quản lý sang doanh nghiệp hoặc hợp tác xã quản lý tại 35 chợ trên địa bàn; trong đó, thành phố Trà Vinh 03 chợ, huyện Càng Long 07 chợ, huyện Châu Thành 03 chợ, huyện Trà Cú 05 chợ, huyện Tiểu Cần 02 chợ, huyện Cầu Kè 05 chợ, thị xã Duyên Hải 03 chợ, huyện Duyên Hải 03 chợ và huyện Cầu Ngang 04 chợ.
Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2015-2020, tỉnh chuyển đổi mô hình quản lý 51 chợ. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh chỉ mới hoàn thành chuyển đổi 19 chợ. Có nhiều nguyên nhân gây khó khăn việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ không đạt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, trong quá trình chuyển đổi, địa phương gặp vướng mắc trong xử lý tài sản và thủ tục đấu thầu; nhiều địa phương chưa chủ động trong việc thực hiện các thủ tục chuyển đổi, chưa xây dựng phương án chuyển đổi. Cùng đó là khó khăn trong việc kêu gọi doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đầu tư khai thác, quản lý do đa phần các chợ trên địa bàn tỉnh là chợ hạng 3 có quy mô diện tích nhỏ, ít hộ kinh doanh nên khó kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển và chuyển đổi mô hình quản lý chợ tỉnh Trà Vinh cho biết, chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng sức giao thương hàng hóa, xây dựng mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh trở thành mô hình hoạt động thương mại văn minh, nâng năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Mô hình mới có khả năng huy động các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm, từng bước xã hội hóa hoạt động phát triển và quản lý chợ, phục vụ tốt nhu cầu đời sống của Nhân dân trên địa bàn.
Thời gian qua, các chợ được chuyển đổi đã huy động được 26 tỷ đồng để đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ. Các sở, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi cho các chợ.
Các đơn vị lựa chọn doanh nghiệp, hợp tác xã đủ năng lực quản lý, tài chính để đảm bảo việc chuyển đổi hiệu quả; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đất đai, bảo vệ môi trường, thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, thủ tục cấp phép xây dụng…; tuyên truyền, vận động đến các hộ tiểu thương, hạn chế phát sinh khiếu nại, khiếu kiện - ông Nguyễn Trung Hoàng yêu cầu.
Tỉnh Trà Vinh có 116 chợ được phân hạng (02 chợ hạng I, 09 chợ hạng II, 105 chợ hạng III); trong đó, 12 chợ do doanh nghiệp quản lý và 10 chợ do hợp tác xã quản lý, 04 chợ do hộ kinh doanh quản lý; các chợ còn lại do ban quản lý và UBND cấp xã quản lý.
THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.