10/03/2021 05:15
Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX, ngày 09/02/2021, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định số 298/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025. Chương trình hỗ trợ phong phú và đa dạng, ngoài những chính sách chung của Đảng, Nhà nước hiện hành, tỉnh sẽ dành nhiều chính sách ưu đãi nhằm làm bật dậy, phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn này.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT, HTX phải phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; được dựa trên nội lực của tổ chức phát triển KTTT, HTX là chính; Nhà nước tập trung hỗ trợ một số chính sách và bố trí ngân sách để tạo điều kiện KTTT, HTX phát triển. Cụ thể có 05 nhóm đối tượng, thành phần được hỗ trợ của chương trình: (1) thành lập mới, củng cố tổ chức KTTT, liên minh HTX, HTX; (2) nâng cao năng lực, nhận thức lĩnh vực KTTT; (3) xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường; (4) hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; (5) các hỗ trợ khác đối với KTTT, HTX thực hiện theo quy định hiện hành.
Thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển KTTT, HTX với nhiều hình thức đổi mới cả về tổ chức, quản lý và hoạt động; đa dạng các loại hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực, có quy mô lớn, có lợi thế cạnh tranh và sức lan tỏa. Chú trọng phát triển các HTX sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tỉnh sẽ chỉ đạo gắn củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác hiện có với thu hút thành viên, vận động thành viên góp thêm vốn; đầu tư mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; kiên quyết xử lý các HTX đã ngừng hoạt động theo quy định.
Với mục tiêu hướng đến: hỗ trợ, phát triển lĩnh vực KTTT, HTX cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua nâng cao nhận thức của toàn dân về KTTT, HTX; đồng thời, tăng cường năng lực của các tổ chức KTTT, HTX nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ, đặc biệt là hộ nông dân trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ phát triển từ 200 HTX trở lên (mỗi năm 50 HTX) và từ 01-02 liên minh HTX; phấn đấu phát triển thành viên tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX hàng năm tăng thêm từ 15-20%; phấn đấu 100% xã có HTX hoạt động đúng Luật HTX năm 2012; 100% huyện, thị xã và thành phố có từ 03 mô hình trở lên HTX kiểu mới gắn với thực hành, chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, triển khai các giải pháp nhằm giúp cán bộ quản lý HTX có trình độ từ sơ cấp trở lên, phù hợp với chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của HTX đạt 60% trở lên. Năng lực quản lý, điều hành của tổ hợp tác và HTX lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn. Tăng cường liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân, sản xuất theo chuỗi để tăng mạnh lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng; đưa tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng từ 05-10% như hiện nay lên 20-30% vào năm 2025. Mở rộng phạm vi liên kết theo chuỗi giá trị bền vững giữa các HTX gắn kết với doanh nghiệp đầu vào, đầu ra có thế mạnh về tiêu thụ nông sản; phát triển nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả lĩnh vực lúa - gạo, trái cây, thủy sản, dịch vụ tổng hợp, từng bước nâng thành HTX có quy mô lớn cấp tỉnh.
Bà Lê Thu Nhạn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: trong 02 tháng đầu năm 2021, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức phát 600 tờ Thông tin kinh tế hợp tác để tuyên truyền về KTTT, HTX đến các huyện, xã và HTX trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức thành lập HTX nông nghiệp Long Thành (xã Long Hòa, huyện Châu Thành), HTX nông nghiệp Vinh Kim (xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang), với 131 thành viên, vốn điều lệ 3,5 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 01 Liên hiệp HTX và 169 HTX; trong đó, có 122 HTX nông nghiệp, 31 HTX phi nông nghiệp, 16 quỹ tín dụng, tổng vốn điều lệ 165,593 tỷ đồng, với 28.877 thành viên, giải quyết 1.548 lao động thường xuyên. |
Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế chung của tỉnh, nên thực hiện chương trình hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX sẽ gặp những khó khăn nhất định. Để thực hiện đạt mục tiêu chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các sở, ngành tỉnh và địa phương triển khai đồng bộ, theo lộ trình. Trong đó, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan tổng hợp nhu cầu, cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách trung hạn và hàng năm của tỉnh. Riêng Liên minh HTX tỉnh, tăng cường tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX, liên hiệp HTX; bồi dưỡng thành viên, người lao động HTX, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, góp phần hoàn thành các mục tiêu cũng như chỉ tiêu chương trình đề ra, giúp tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm đạt theo nghị quyết.
TRƯỜNG NGUYÊN
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực KTTT thông qua việc hỗ trợ học phí, tài liệu, chi phí ăn ở… cho thành viên, người lao động của tổ chức KTTT tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, hỗ trợ học phí cho công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về KTTT, Liên minh HTX tỉnh, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tham gia các lớp đào tạo về lĩnh vực phát triển KTTT; hỗ trợ trả lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức KTTT, với mức hỗ trợ hàng tháng ít nhất bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, trong thời gian tối đa 03 năm/người và 02 người/tổ chức KTTT/năm. Đối với các tổ chức KTTT, HTX hoạt động trên tất cả ngành, lĩnh vực tại địa bàn tỉnh có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị thực hành sản xuất xanh, Chương trình Mỗi xã một sản phâm (OCOP) sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng và tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, hỗ trợ 100% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm trong nước; kinh phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức KTTT. Ngoài ra, các HTX còn được hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm với mức hỗ trợ tối đa lên đến 03 tỷ đồng đối với HTX có từ 50 thành viên trở lên và không quá 02 tỷ đồng đối với HTX có từ 49 thành viên trở xuống. HTX nông nghiệp Long Hiệp (huyện Trà Cú) được Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 320 triệu đồng để đầu tư máy đóng gói tự động. Tin, ảnh: THANH HÒA |
|
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.