21/03/2024 08:30
Hồ chứa nước phục vụ sản xuất màu ấp Huyền Đức, xã Long Sơn.
Đồng chí Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: do kinh tế huyện còn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp, nên tốc độ phát triển còn chậm. Giá xăng, dầu; vật tư nông nghiệp; thức ăn, thuốc thủy sản; vật liệu xây dựng… vẫn còn ở mức cao; một số mặt hàng nông, thủy sản đầu ra không ổn định và biến động bất thường gây ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất, kinh doanh của người dân.
Mặt khác, hạ tầng của huyện chưa đầu tư đồng bộ nên việc mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển còn khó khăn. Nguồn lực về vốn được trên phân bổ hàng năm ít, nên việc đầu tư, nâng cấp sửa chữa các công trình giao thông chưa nhiều; việc đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế.
Thực tế tại địa bàn xã Long Sơn những năm qua, cấp ủy, chính quyền đã ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện nhiều chương trình, chính sách giúp nâng cao đời sống cho Nhân dân như tạo mô hình sinh kế, hỗ trợ nhà ở, nhà đại đoàn kết, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất. Công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được quan tâm; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất được đẩy mạnh hơn vào đời sống, sản xuất của người dân. Tuy nhiên, hiện nay tình hình sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản của xã còn khó khăn, do hệ thống thủy lợi và kết cấu hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ.
Nông dân Thạch Thảo, trồng màu ở ấp Sóc Mới, xã Long Sơn cho biết: với 0,3ha đất sản xuất, hàng năm ông trồng 02 vụ màu - 01 vụ lúa. Vụ bắp giống năm nay đang vào vụ thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt 7,5 - 08 tấn/ha, giá bao tiêu 17.000 đồng/kg, tăng 2.500 - 3.000 đồng/kg so với năm trước, lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha. Trồng màu tuy lợi nhuận cao gấp 03 - 05 lần so với trồng lúa, tuy nhiên mùa khô việc chủ động nguồn nước phục vụ trồng màu rất vất vả, nhất là nguồn nước ngọt phục vụ lúa đông - xuân. Vì thế, mong địa phương quan tâm tạo điều kiện đầu tư xây dựng hồ chứa nước và nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: thực trạng kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp, sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tình hình dịch bệnh từng lúc vẫn còn xảy ra, nhất là trong nuôi trồng thủy sản; thị trường, giá một số mặt hàng nông sản không ổn định ảnh hưởng đến đầu tư phát triển sản xuất của Nhân dân. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu, khô hạn, mặn xâm nhập ngày càng gay gắt, gây nhiều thiệt hại về sản xuất của người dân.
Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế gắn với công tác giảm nghèo bền vững, xã kiến nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường giao thông, đường điện khu vực dự án cánh đồng Trà Côn phục vụ vùng nuôi thủy sản 410ha, hiện nay còn khoảng 160ha (96 hộ) chưa khai thác.
Đầu tư xây dựng đường điện sản xuất cặp triền giồng Ô Trao ấp Ô Răng, dài 3,5km phục vụ 160ha diện tích sản xuất cho 203 hộ dân; cặp kênh cấp II T38 phục vụ 60ha diện tích sản xuất cho 75 hộ dân; cặp kênh cấp II T39 phục vụ 340ha diện tích sản xuất cho 399 hộ dân và cặp đường bờ trục ấp Huyền Đức phục vụ 55ha diện tích sản xuất cho 68 hộ dân với số tiền dự toán 21,78 tỷ đồng. Đồng thời, đề nghị đầu tư xây dựng 02 hồ chứa nước ấp Bào Mốt - Sóc Mới, diện tích sản xuất 103ha, phục vụ 161 hộ sản xuất 01 vụ lúa và 02 vụ màu.
Xây dựng công trình đường điện sản xuất, đường nhựa với số tiền dự toán 16,6 tỷ đồng. Xây dựng hồ chứa nước ấp Ô Răng, diện tích sản xuất 69ha, phục vụ 115 hộ sản xuất 01 vụ lúa - 02 vụ màu; xây dựng công trình kèm theo gồm: công trình đường điện sản xuất và công trình đường nhựa, với số tiền 07 tỷ đồng…
Theo đồng chí Thạch Thị Thu Hà, hiện nay trên địa bàn huyện còn một số khu vực ở các xã Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Mỹ Tây thiếu nước phục vụ tưới tiêu. Thực tế tại xã Long Sơn, năm 2017 được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đầu tư công trình hồ chứa nước thí điểm cung cấp nước tưới phục vụ trồng màu vùng đất cát, với diện tích mặt hồ khoảng 01ha, chứa khoảng 26.000m3 nước phục vụ nước tưới cho 26ha của 40 hộ dân có đất sản xuất khu vực hồ thuộc 03 ấp Huyền Đức, Sóc Mới và một phần ấp Bào Mốt mang lại hiệu quả qua các mùa thu hoạch, nông dân đạt năng suất rất cao nhất là mùa khô.
Thời gian tới, nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sản xuất ở các tiểu vùng theo quy hoạch như: 02 vụ lúa - 01 màu; 01 lúa - 02 màu và chuyên canh màu của các địa phương, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất cây lúa, cây màu, nuôi thủy sản. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Quản lý, khai thác tốt các công trình thủy lợi, kịp thời ngăn mặn, ngăn triều cường đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất. Bên cạnh đó, huyện đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư thêm cho huyện một số công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất.
Đối với vùng sản xuất màu, huyện đề nghị đầu tư 02 tuyến đường điện, 02 tuyến đường giao thông, 02 hồ chứa nước phục vụ cho 276 hộ, diện tích 172ha đất trồng lúa - màu tập trung ở các ấp Bào Mốt, Sóc Mới, Ô Răng, xã Long Sơn. Đầu tư 01 tuyến đường giao thông, 01 hồ chứa nước phục vụ cho 160 hộ với diện tích 75ha đất trồng lúa - màu gồm các ấp Cầu Vĩ, Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn, do thiếu nước sản xuất vụ màu trong mùa khô. Đầu tư 02 tuyến đường điện, 05 tuyến đường giao thông và 01 hồ chứa nước phục vụ cho 150 hộ với diện tích 90ha đất trồng màu nhỏ lẻ, đất bỏ hoang, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư, gồm các ấp: Bào Bèo, Giồng Dài, xã Hiệp Mỹ Tây do không có nước sản xuất màu trong mùa khô.
Đối với vùng sản xuất lúa, huyện đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, cụ thể: 01 cống tại đầu kênh N13 để tưới tiêu phục vụ cho khoảng 500ha khu vực các ấp Lạc Thạnh B, Trường Bắn, Lạc Sơn, xã Thạnh Hoà Sơn; sớm triển khai thực hiện đầu tư 01 trạm bơm để phục vụ 150ha sản xuất lúa ấp Bông Ven, xã Nhị trường (trạm bơm đã được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa vào quy hoạch).
Đối với vùng nuôi thủy sản, năm 2012 khu vực cánh đồng Trà Côn khu vực các xã Long Sơn, Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đầu tư 12 tuyến kênh và 12 cây cầu, sau đó bổ sung thêm 01 tuyến đường điện và 01 tuyến đường giao thông. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, mong tỉnh quan tâm đầu tư bổ sung thêm kết cấu hạ tầng như: điện, đường, cầu giao thông cánh đồng Trà Côn phục vụ nuôi thủy sản với diện tích 800ha.
MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.