11/11/2020 01:00
Ông Vương Hải Khoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Để tác động các chính sách khuyến khích phát triển HTX của tỉnh đối với các HTX trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của kinh tế tập thể, HTX, xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa. Ngoài ra, Sở đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới để hỗ trợ HTX. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình mỗi xã một sản phẩm hỗ trợ tích cực cho kinh tế tập thể, HTX. Tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương và nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các quỹ khác để hỗ trợ HTX.
Có thể nói, HTX nông nghiệp được xem là “bệ đỡ” cải thiện kinh tế hộ và giữ vai trò quan trọng XDNTM, tái cơ cấu nông nghiệp. Với tầm quan trọng đó, công tác hỗ trợ, củng cố phát triển HTX nông nghiệp được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp. Những năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai 80 lớp tập huấn thành lập và củng cố HTX trên 2.000 lượt người tham dự, 04 lớp thành lập Liên hiệp HTX. Đến nay thành lập 120 HTX nông nghiệp, đạt 88% kế hoạch, tổng diện tích đất tham gia hợp tác sản xuất 2.580ha, với 8.081 thành viên, vốn điều lệ 84,242 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Việc hỗ trợ, củng cố phát triển HTX nông nghiệp những năm qua đã góp phần tích cực trong XDNTM. Ngoài việc hỗ trợ các chính sách cho HTX nông nghiệp phát triển, Sở phối hợp với Dự án SME Trà Vinh hỗ trợ các HTX nông nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm dừa trái, lúa gạo và xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, nhãn hiệu, chứng nhận VietGAP; chứng nhận sản phẩm OCOP cho sản phẩm gạo và bưởi da xanh; xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn huyện Tiểu Cần quy mô liên kết 1.020ha, năng suất bình quân 6,6 tấn/ha, lợi nhuận đạt trên 16 triệu đồng/ha (cao hơn bên ngoài mô hình gần 2,3 triệu đồng/ha). Bên cạnh đó, từ nguồn vốn trung hạn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Sở đã tham mưu hỗ trợ 02 HTX nông nghiệp Phú Cần và HTX nông nghiệp Dân Tiến tham gia thí điểm mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới xây dựng kết cấu hạ tầng năm 2020, tổng số vốn 02 tỷ đồng.
Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với địa phương hỗ trợ HTX củng cố, kiện toàn nhân sự, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản trị, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho Hội đồng quản trị, Ban giám đốc các HTX. Hướng dẫn HTX tổ chức lại khâu sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao; huy động các nguồn lực từ Chương trình XDNTM, các chính sách ưu đãi để tiếp tục hỗ trợ cho các HTX cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chứng nhận OCOP nhằm tạo sản phẩm đạt chất lượng, có giá trị gia tăng cao, hướng tới những thị trường mới, tiềm năng. Rà soát lại thế mạnh, năng lực cung ứng, thị trường đầu ra và phương thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của các HTX, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh.
Ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè
Cầu Kè là huyện có thế mạnh sản xuất dừa và cây ăn quả, hiện trên địa bàn huyện có 13 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 06 HTX sản xuất cây ăn trái với 9.132ha, sản lượng thu hoạch gần 140.000 tấn/năm. Những năm qua, nhờ phát triển trồng cây ăn trái nhiều nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất, thu nhập tăng gấp 02 - 03 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, việc phát triển cây ăn trái của huyện vẫn còn nhiều hạn chế như: chất lượng còn thấp, chưa đồng đều, sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, thị trường đầu ra chưa ổn định. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, nhất là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi người sản xuất phải theo quy trình VietGAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với thị trường trong nước và một số nước trong khu vực, sản phẩm rau, quả cần đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Để khắc phục những hạn chế trên, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch hỗ trợ chứng nhận VietGAP cây ăn trái trên địa bàn huyện. Gần 05 năm triển khai thực hiện, huyện đã kết hợp các nguồn lực hỗ trợ 04 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP: HTX Xoài cát chu An Lộc, HTX nông nghiệp Ninh Thới, HTX Dừa Sáp, HTX Tân Quy, với 114,25ha của 154 hộ. Để mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng hiệu quả, phát triển bền vững và nhân rộng, thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng vùng sản xuất cây ăn trái chuyên canh, đa canh với các loại trái cây đặc sản như dừa sáp, xoài cát chu, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt;… đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống bảo quản chế biến phù hợp sản xuất gắn với XDNTM. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào HTX, THT, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và các dự án quốc tế tiếp tục hỗ trợ HTX thực hiện các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, sản xuất theo chuẩn VietGAP trên nhiều đối tượng cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái. Tăng cường hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường và xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm đối với các mặt hàng nông sản bưởi, xoài, chôm chôm, cam sành; hỗ trợ các HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc và phối hợp với các công ty xây dựng phương án bao tiêu các sản phẩm. Củng cố, xây dựng các HTX đạt chứng nhận VietGAP để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Liên kết với các doanh nghiệp thực hiện “chuỗi giá trị sản phẩm” trợ lực HTX tái công nhận VietGAP và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với các HTX nông nghiệp còn lại. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; tập trung đào tạo nâng cao năng lực và trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn để có thể tiếp cận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.