12/03/2021 08:30
NHNN Việt Nam đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng và triển khai thực hiện trên toàn hệ thống Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 về hoạt động cho vay của các TCTD đối với khách hàng phù hợp với thực tiễn. Thống đốc NHNN ban hành các chỉ thị ngay từ đầu năm, yêu cầu các TCTD đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn; đa dạng sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; NHNN Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là nơi dễ phát sinh tình trạng cho vay nặng lãi, ngành ngân hàng đã triển khai thực hiện Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP với nhiều cơ chế ưu đãi đột phá, phù hợp với thực tiễn như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hộ dân sản xuất nông nghiệp lên tối đa 200 triệu đồng nhằm tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình có đủ vốn để sản xuất, kinh doanh, hạn chế việc tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác; triển khai các chính sách khác như cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP... chỉ đạo các TCTD đa dạng hóa hoạt động tín dụng như cho vay liên vụ, cho vay vốn thông qua các tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội... Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách của người dân; tăng cường công tác tuyên truyền tại các địa bàn nông thôn để người dân nắm bắt và tiếp cận dịch vụ.
Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, NHNN đã chỉ đạo TCTD thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới để khôi phục sản xuất đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do dịch tả heo châu Phi năm 2018 - 2019, hạn hán xâm nhập mặn năm 2019 - 2020, dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay… đã 03 lần điều chỉnh giảm lãi suất các lĩnh vực ưu tiên trong năm 2020 với quy mô tương đối lớn nhằm hỗ trợ chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng quy mô nhỏ, NHNN đã ban hành nhiều giải pháp đẩy mạnh củng cố, phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo đúng quy định pháp luật, đúng tiêu chí hoạt động của hình thức kinh tế tập thể, hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho xã viên; mở rộng chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội về hạn mức, thời hạn phù hợp với thực tiễn nhu cầu vốn sản xuất, tiêu dùng các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, đặc biệt là các chương trình cho vay học sinh, sinh viên, cho vay hộ nghèo, cận nghèo... góp phần giảm nghèo bền vững và đa dạng kênh tín dụng chính thức cho người dân vay.
Chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn ngân hàng. Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ ngân hàng số nhằm phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Kết quả hoạt động ngân hàng đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay trên toàn tỉnh đạt 29.179 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cuối năm 2019. Trong đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng đạt mức khá: tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 56,4%/tổng dư nợ, tăng khoảng 12% so với cuối năm 2019; dư nợ của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 2.823 tỷ đồng với 14 chương trình tín dụng. Các chương trình tín dụng khác như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội,... cũng được TCTD tiếp tục triển khai. Tín dụng lĩnh vực tiêu dùng tăng 02 lần so với năm 2019 và được kiểm soát phù hợp với định hướng của NHNN.
Với các giải pháp tích cực trên, hệ thống TCTD với mạng lưới rộng khắp trên địa bàn, vùng sâu, vùng xa (có 105 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng) cơ bản đã đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu vốn phục vụ đời sống chính đáng của người dân. Qua đó, đẩy mạnh phục vụ người dân, doanh nghiệp ở kênh tín dụng chính thức, góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn.
THANH BÌNH
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.