28/05/2024 06:34
Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm (bên trái) cùng nhà vườn kiểm tra, đánh giá ổi bị bệnh hồi phục sau khi thực hiện quy trình kỹ thuật của Trung tâm triển khai.
Nhà vườn Cao Văn Lúng, ấp Hòa An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có hơn 01ha diện tích trồng ổi Đài Loan, mỗi năm cho sản lượng trên 50 tấn trái. Đầu năm 2023, toàn bộ diện tích ổi có hiện tượng chết dần và qua tham vấn của các kỹ sư nông nghiệp, cho thấy ổi bị bệnh tuyến trùng ký sinh rễ. Hiện toàn bộ diện tích vườn ổi đã bị bệnh và được đốn bỏ hết, gây thiệt hại rất lớn cho gia đình…
Theo thống kê của Hội Làm vườn huyện Cầu Kè, đến đầu năm 2024, toàn huyện có trên 700ha diện tích trồng ổi; tập trung ở các xã: An Phú Tân gần 250ha; Tam Ngãi gần 280ha; Ninh Thới trên 100ha… Bình quân sản lượng đạt 40 - 45 tấn/ha/năm và giá ổi hiện nay dao động 5.000 - 6.500 đồng/kg.
Kỹ sư Nông nghiệp Nguyễn Văn Đởm, Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè chia sẻ: trước tình hình cây ổi bệnh chết hàng loạt, nhiều nhà vườn đã xử lý và kết hợp với các phương pháp phòng, trị bệnh nhưng không hiệu quả. Vừa qua, Trung tâm có thực hiện mô hình thí điểm phòng, trị bệnh cho cây ổi; bước đầu đã thành công, tỷ lệ cây ổi bị bệnh nặng (trên 40%) khả năng phục hồi sau điều trị đạt 70%; tỷ lệ cây bệnh dưới 24%, khả năng phục hồi đạt 100%... Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm cho biết thêm, Trung tâm đã tự đầu tư kinh phí để triển khai mô hình thực nghiệm về quy trình phòng, trừ bệnh trên cây ổi.
Nhà vườn Nguyễn Văn Lời, ấp Hội An, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có 126 gốc ổi giống Nữ hoàng, đã cho thu hoạch trái được 02 năm; từ năm thứ 03, ổi bắt đầu bệnh và có hiện tượng khô nhánh, rồi lan ra toàn thân, rễ bị nổi nốt sần và dần dần thối úng. Cuối tháng 3/2024, Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Kè triển khai quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh trên cây ổi do Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm trực tiếp thực hiện tại vườn của gia đình. Đến nay, quy trình đã kết thúc và vườn ổi đã khôi phục, phát triển tốt trở lại, bắt đầu cho ra đọt non, hoa và trái. Tỷ lệ phục hồi chung của vườn ổi là trên 70%.
Quy trình kỹ thuật trước mắt được xây dựng gồm 06 bước: (1) xử lý rải vôi bột ở gốc ổi và khắp mặt liếp trồng ổi; (2) xử lý thuốc trừ tuyến trùng và nấm bệnh ở phần gốc; (3) xử lý hữu cơ lỏng (Mixer); (4) xử lý thuốc điều hòa sinh trưởng, rải gốc; (5) phun qua lá dòng dinh dưỡng nhằm kéo đọt xanh + thuốc trừ sâu rầy; (6) sau khi cây hồi phục, tăng cường một số phân bón hữu cơ và thuốc tăng trưởng.
Cũng theo Kỹ sư Nguyễn Văn Đởm, thời gian tới, nếu được hỗ trợ của UBND huyện và ngành nông nghiệp, Trung tâm tiếp tục mở rộng quy mô diện tích và vùng sản xuất để triển khai quy trình trên và tổ chức hội thảo, đánh giá từ ngành quản lý cấp trên.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.