15/09/2024 08:12
Thương lái thu mua dừa Mã Lai của gia đình nông dân Ngô Minh Ngọc (bên phải).
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Song Lộc, chúng tôi đến thăm mô hình trồng dừa Mã Lai của nông dân Ngô Minh Ngọc, ấp Khánh Lộc, đây là mô hình được địa phương đánh giá mang lại hiệu quả cao. Ông Ngọc cho biết: hiện gia đình ông trồng gần 05ha dừa Mã Lai đang cho trái hàng tháng khoảng 20 thiên dừa (1.200 trái/thiên), giá bán 50.000 đồng/chục (12 trái/chục), thu nhập 100 triệu đồng/tháng.
Theo ông Ngọc, diện tích trồng dừa hiện nay được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả. Trước đây, ngoài sản xuất lúa ông tập trung sản xuất 03 - 04 vụ màu/năm chủ yếu dưa leo, khổ qua đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 04 - 05 lần so với trồng lúa, mỗi vụ hoa màu được mùa được giá lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/ha.
Những năm gần đây, do điều kiện sức khỏe nên ông đã lên liếp chuyển sang trồng dừa đỏ Mã Lai nhằm cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Trong quá trình chăm sóc dừa, ông trồng xen canh rau cải các loại nhằm có thêm thu nhập trang trải khi chờ dừa cho trái. So với cây màu, trồng dừa chỉ đầu tư vốn ban đầu, những năm tiếp theo chỉ tốn chi phí phân bón, đặc biệt trồng dừa nhẹ công chăm sóc, thu nhập ổn định, lợi nhuận cao.
Ông Ngọc cho biết: từ khi chuyển sang trồng dừa kinh tế gia đình ngày càng ổn định. So với các loại dừa khác, giống dừa đỏ Mã Lai có ưu điểm trái say, từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 03 năm. Sau đó dừa cho trái liên tục, khoảng hơn 20 ngày dừa cho thu hoạch một lần. Gần 05ha dừa, chi phí đầu tư giống dừa Mã Lai, phân bón, hệ thống nước tưới phun,… khoảng 300 triệu đồng. Cây dừa Mã Lai, ngoài yếu tố đảm bảo nguồn nước tưới hợp lý, quan trọng bón phân hàng tháng giúp dừa đủ dinh dưỡng cho trái liên tục và say trái. Dừa Mã Lai có trái nhỏ, trọng lượng từ 1,5 - 02kg/trái, ưu điểm là nước ngọt thanh và được thị trường ưa chuộng.
Dừa trồng khoảng 03 năm cho thu hoạch, đối với vườn dừa nhà ông Ngọc trồng khoảng 2,5 năm cho thu hoạch do đất trũng cung cấp đầy đủ nguồn nước tưới nên cây phát triển tốt và cho trái sớm hơn dự kiến. Năng suất dừa rất cao, cách 20 - 25 ngày dừa cho ra một buồng mới và cho thu hoạch liên tục trong năm.
Nhờ điều kiện đất đai thổ nhưỡng phù hợp nên dừa cho trái say thu hoạch hàng tháng và được ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp liên tục 03 năm liền với giá 50.000 đồng/chục dừa tươi, đến năm thứ 04 sẽ tái hợp đồng với giá thỏa thuận mới. Gần 05 năm trồng dừa đến nay gia đình ông đã thu hồi vốn. Cùng với đó, ông đã mua thêm gần 0,7ha đất vườn dừa truyền thống, hướng tới ông chuyển đổi dần sang trồng dừa đỏ Mã Lai thuận lợi canh tác và cung ứng doanh nghiệp.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng dừa Mã Lai của ông Ngọc, nông dân Hồ Hoàng Thà ngụ cùng ấp mạnh dạn chuyển đổi 0,9ha đất canh tác hoa màu sang trồng dừa Mã Lai gần 01 năm tuổi hiện đang phát triển tốt.
Theo ông Thà, diện tích canh tác trước đây của gia đình chủ yếu sản xuất lúa 03 vụ/năm, nhưng làm lúa giá bán bấp bênh, lợi nhuận thấp, sau đó, ông chuyển sang trồng màu đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 04 - 05 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, gần đây chi phí đầu tư trồng màu tăng cao, nhất là phân bón, công lao động tăng gấp đôi so với trước, trong khi đó, giá bán nông sản thấp và thường xuyên không ổn định, lợi nhuận bấp bênh. Do đó, ông chuyển sang trồng dừa Mã Lai, thời gian rãnh ông đầu tư nuôi thử nghiệm 1.500 con lươn trong ao bê-tông được 09 tháng tuổi, theo ước tính hiện tại đến nay thu hoạch mỗi ký lươn ông lợi nhuận 50%.
Đồng chí Huỳnh Văn Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Song Lộc cho biết: toàn xã có 715,36ha dừa, trong đó diện tích đang cho trái khoảng 710ha, năng suất đạt 15 tấn/ha/năm, sản lượng đạt 10.650 tấn/năm. Gần đây xã hình thành mô hình trồng dừa Mã Lai đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy dừa Mã Lai chỉ xuất hiện trên địa bàn xã khoảng 04 - 05 năm nay nhưng hiệu quả mang lại khá cao. Đây là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật.
Trong khi đó, loại dừa Mã Lai được thị trường ưa chuộng nên Hội Nông dân xã đã và đang tuyên truyền sâu rộng cho người dân trên địa bàn. Có thể nói đây là mô hình chuyển đổi có hiệu quả, cần nhân rộng, vì từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.