25/09/2023 08:37
Bà Kim Thị Rết Thi chăm sóc hành lá.
Gia đình bà Sơn Thanh Hương, ấp Lưu Tư, xã Huyền Hội, huyện Càng Long là một trong những hộ nghèo của xã. Thu nhập chính của gia đình là làm thuê, thu nhập không ổn định, chật vật nuôi 02 đứa con ăn học. Nhờ chịu khó siêng năng lao động, cuộc sống gia đình dần ổn định, đứa con gái lớn đi làm công nhân phụ giúp gia đình, đồng thời bà được địa phương hỗ trợ tiền cùng với số vốn tích lũy xây dựng căn nhà chắc chắn hơn và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Bà Hương chia sẻ: nhờ địa phương tạo điều kiện có được căn nhà kiên cố nên 03 mẹ con bà yên tâm khi mùa mưa đến và an tâm lao động để lo cho người con út tiếp tục đến trường.
Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: toàn xã có 3.773 hộ, trong đó có 434 hộ đồng bào Khmer, xã hiện còn 192 hộ nghèo, cận nghèo. Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2023, xã giảm 57 hộ nghèo. Để đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, phối hợp với Ban Nhân dân ấp rà soát, điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo có khả năng thoát nghèo trong năm nay để định hướng hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của hộ dân giúp các hộ vươn lên thoát nghèo bằng các giải pháp đầu tư vốn vay Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhà ở, vốn giải quyết việc làm, vốn phát triển sản xuất,… Qua đó, xã tranh thủ vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 15 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vốn giúp 755 lượt hộ vay đến nay với tổng dư nợ 58 tỷ đồng. Song song đó, xã hỗ trợ tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp các hộ đầu tư sản xuất hiệu quả.
Ở địa phương khác, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành thực hiện hiệu quả bước đầu từ chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021 của Chính phủ: hộ nghèo hiện còn 5.404 hộ, chiếm 1,88% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, trong đó hộ nghèo Khmer 3.239 hộ, chiếm 3,61% so với tổng số hộ dân cư Khmer (chiếm 59,94% so với tổng số hộ nghèo). Hộ cận nghèo hiện còn 10.905 hộ, chiếm 3,80% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh, trong đó hộ cận nghèo Khmer 5.267 hộ, chiếm 5,87% so với tổng số hộ dân cư Khmer (chiếm 48,30% so với tổng số hộ cận nghèo). Tổng số vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ năm 2023 là gần 81 tỷ đồng phân bổ thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Tính đến ngày 06/9/2023, tỉnh đã giải ngân trên 6,4 tỷ đồng. Dự kiến giải ngân vốn đến ngày 31/12/2023 gần 64 tỷ. |
Theo đồng chí Bành Cẩm Huyền, Công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách lĩnh vực thương binh - xã hội xã Hòa Lợi, hiện xã có 75 hộ nghèo, 224 hộ cận nghèo. Năm 2023, qua rà soát, điều tra xã có 89 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khả năng thoát nghèo, trong đó có 11 hộ nhu cầu về nhà ở,10 hộ nhu cầu vốn phát triển sản xuất. Chính vì thế, xã tranh thủ nguồn lực Quỹ An sinh xã hội hỗ trợ nhà ở cho 11 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời hỗ trợ vốn vay cho các hộ theo Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND, ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh Trà Vinh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 và Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh Trà Vinh quy định về chính sách hỗ trợ cải thiện nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 với số tiền gần 800 triệu đồng. Ngoài ra, xã rà soát hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hiện xã đang chờ phân bổ vốn để tiến hành giải ngân.
Bà Kim Thị Rết Thi, ấp Kênh Xáng, xã Hòa Lợi là thuộc hộ cận nghèo của địa phương. Bà Thi cho biết: kinh tế gia đình dựa vào nghề làm thuê, hàng ngày bà làm công nhân, còn chồng bà đi phun xịt thuốc lúa mướn và chăm sóc 0,5ha đất thuê để trồng lúa và trồng rẫy để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cùng với đó, vợ chồng bà nhận nuôi 03 con bò rẻ để vừa tạo việc làm, vừa có thêm thu nhập.
Hộ ông Thạch Chanh Thi, ấp Kênh Xáng thuộc hộ cận nghèo, sống bằng nghề làm phụ hồ thu nhập 300.000 đồng/ngày. Được biết, ông Thi là một trong những hộ được địa phương hỗ trợ vốn chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững trong năm 2023.
Ông Thi cho biết: năm 2020, gia đình ông được địa phương hỗ trợ vốn vay 15 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư nuôi bò sinh sản. Từ 01 con bò mẹ nay đã có thêm 02 con bê, có bò bán và có tiền tích lũy làm thuê, nay ông đã trả dứt nợ ngân hàng. Năm 2023, gia đình ông tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ căn nhà 50 triệu đồng. Nhờ có tay nghề phụ hồ nên trong quá trình xây dựng nhà mới ông giảm khá nhiều chi phí xây dựng nhà ở.
Đồng chí Thạch Thia Vy, Trưởng Ban Nhân dân ấp Kênh Xáng cho biết: công tác giảm nghèo trên địa bàn ấp luôn được quan tâm kịp thời. Tuy có nhiều chính sách đầu tư công tác giảm nghèo nhưng mang tính hỗ trợ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Do đó, đòi hỏi người dân chí thú làm ăn, tự lực vươn lên thoát nghèo.
Để công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thuận lợi, hàng năm cán bộ phụ trách và điều tra viên tham dự các lớp tập huấn để nắm rõ thông tin tiến hành điều tra chính xác, tránh sai sót. Trong quá trình rà soát, chấm điểm phải có sự tham gia của chính quyền địa phương và người dân nhằm đảm bảo công khai và minh bạch.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.