21/11/2024 09:38
Chị Thạch Thị Sa Thia thu hoạch hoa sen.
Mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, chị Thạch Thị Sa Thia, ngụ ấp Trường Bắn, xã Thạnh Hòa Sơn đầu tư 0,9ha đất trồng sen bán lấy ngó và bông sen, mô hình giúp tăng thu nhập đáng kể.
Chị Thạch Thị Sa Thia cho biết: sen rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Hàng ngày, gia đình tôi thu được 300 bông, 15kg ngó sen. Với giá bán sỉ hiện nay 3.000 đồng/bông sen trắng, 5.000 đồng/bông sen hồng, gia đình có thu nhập khá tốt. Riêng ngó sen nhổ lên rồi rửa sạch cân cho khách 30.000 đồng/kg. Gia đình tôi chủ yếu giao sỉ đến huyện Duyên Hải, thành phố Trà Vinh và đóng gói hút chân không gửi đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo chị Thạch Thị Sa Thia, chi phí đầu tư một vụ sen khoảng 03 triệu đồng/0,9ha. Sau 02 tháng trồng, sen sẽ bắt đầu cho thu hoạch ngó và bông sen liên tục suốt một năm; mỗi vụ sen lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/1.000m2, như vậy, gia đình có thu nhập trên 250 triệu đồng mỗi năm từ trồng sen.
Tuy sen dễ trồng, ít tốn chi phí nhưng công chăm sóc khá nhiều, các thành viên trong gia đình chị Sa Thia chung sức lao động, lấy công làm lời, gia cố bờ giữ nước, trục xới đất tạo thành lớp bùn dày để sen phát triển tốt. Nhờ đó, sen cho sản lượng ngó và bông nhiều, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chị Sa Thia bày tỏ thêm: được Hội Liên hiệp phụ nữ xã quan tâm, tạo điều kiện để tôi và 06 chị trong tổ tham quan các mô hình trồng sen hiệu quả, nhất là mô hình trồng sen của phụ nữ tỉnh Đồng Tháp. Sau tham quan, học tập, tôi về áp dụng và phát triển nghề trồng sen trên đất nhà. Quá trình sản xuất, được tham gia các lớp tập huấn, được học tập thêm về ứng dụng công nghệ mở rộng thị trường, tôi mong muốn đăng ký sản phẩm ngó sen đạt chuẩn OCOP, tạo thuận lợi hơn khi cung ứng ra thị trường và có thể tham gia sàn giao dịch điện tử, giúp người tiêu dùng sẽ biết được nhiều hơn sản phẩm ngó sen của địa phương.
Hiện tại, tổ hợp tác trồng sen xã Thạnh Hòa Sơn đã phát triển hơn 06ha, với 13 thành viên, trong đó có 07 hội viên phụ nữ. Nhờ phát triển mô hình trồng sen, nhiều người dân xã Thạnh Hòa Sơn có thu nhập ổn định hơn. Ngoài nguồn thu chủ lực từ sen, người dân còn kết hợp mặt nước để nuôi vịt, nuôi cá, tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích. Hướng tới, xã tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình để người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng chất tiêu chí thu nhập tại địa phương, góp phần nâng chất các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN - NGUYỆT HÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.