31/07/2024 14:17
Ông Thạch Chute kiểm tra lươn nuôi trong bể composite.
Trong đó, các dự án/đề tài đã bám sát vào thực tế của từng địa phương, vùng sản xuất với những cây, con giống mới, nâng cao năng suất và đáp ứng nguyên liệu cho các làng nghề truyền thống. Điển hình như đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu quy trình sản xuất giống nhân tạo vọp (Geloina sp.) ở tỉnh Trà Vinh”, do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II chủ trì thực hiện; thời gian thực hiện từ tháng 02/2023 đến tháng 8/2025; mục tiêu hướng đến xây dựng quy trình sản xuất giống nhân tạo vọp có nguồn gốc ở Trà Vinh với tỷ lệ sống của vọp cám 10%, tỷ lệ sống vọp giống 05% (sản xuất giống nhân tạo ít nhất 100.000 con vọp giống/mô hình).
Đây là mô hình có tác động tích cực trong việc phát triển nghề nuôi vọp của đồng bào Khmer sinh sống ở các vùng đồng láng và ven cửa sông, bãi bồi ở huyện Duyên Hải, Trà Cú, Châu Thành. Hay mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn trong bể composite; mô hình trồng màu trong nhà lưới cho các hộ nông dân là đồng bào Khmer trên địa bàn xã Tân Hùng, Phú Cần, huyện Tiểu Cần được Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tiểu Cần đầu tư.
Ông Thạch Chute, ngụ ấp Sáu, xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần phấn khởi cho biết: năm 2022 được huyện hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn trong bể composite (1.200 con lươn giống). Qua vụ nuôi đầu tiên, gia đình thu nhập hơn 12 triệu đồng. Hiện gia đình đã nắm bắt được kỹ thuật nuôi, nên tiếp tục mở rộng quy mô nuôi lên 04 ao/16.000 con lươn giống (03 bể xi-măng; 01 bể composite).
Cũng theo ông Thạch Chute, đồng bào Khmer ở địa phương hiện nay được các ngành chuyên môn chuyển giao, tập huấn giúp nắm bắt và tiếp cận khoa học - kỹ thuật rất nhiều. Điển hình như mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn, bản thân sau khi tiếp nhận đã cùng với anh em tại địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn lại cho người dân ứng dụng, nhân rộng vào sản xuất.
Đề tài “Chọn giống đậu phộng trồng trên đất giồng cát cho năng suất cao”, được thực hiện cho nông hộ tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải; “Triển khai thực hiện xây dựng mô hình trồng dưa lưới theo hướng an toàn trong nhà màng sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt” cho nông hộ ở huyện Châu Thành… là những đề tài có sự tham gia của nhiều nông hộ là dân tộc Khmer gắn bó lâu đời về tập quán sản xuất tại các vùng sản xuất màu chuyên canh ven giồng cát, triền giồng.
Mô hình Tổ trồng màu (dưa lưới) trong nhà màng, áp dụng công nghệ cao ở xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành có 17 thành viên tham gia với diện tích 1,2ha. Theo ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng Tổ trồng màu công nghệ cao Lương Hòa A: hiện nay, trong tổ có trên 70% là dân tộc Khmer, việc ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả rất cao. Các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong sản xuất. Hiện mô hình mang lại thu nhập khoảng 350 - 400 triệu đồng/vụ/ha (sản xuất 03 vụ/năm).
Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế từ các làng nghề, thông qua nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh, năm 2022, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trà Cú đã triển khai dự án “Tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một số giống tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh”. Trong đó, Dự án đã đầu tư cho 10 hộ dân, chủ yếu người dân tộc Khmer ở 02 ấp Trà Tro B, Trà Tro C để trồng giống tre không gai, không bị mọt nhằm tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho Làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, tầm vông xã Hàm Giang.
Bà Thạch Thị Kim Phường, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang cho biết: gia đình làm gia công giường tre cho tổ hợp tác, tháng 5/2022 được dự án đầu tư giống tre mới để trồng trên diện tích 0,2ha đất vuông xung quanh nhà, với gần 300 gốc. Đến nay, nguồn nguyên liệu cũng đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao thu nhập thêm cho gia đình từ việc tận dụng nguyên liệu trồng tại nhà phục vụ trong sản xuất các dụng cụ thang, giường…
PGS. TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: thực hiện sản xuất nông nghiệp hướng đến thích ứng biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị sản phẩm, Sở phối hợp các địa phương triển khai các mô hình/đề tài có tính cấp thiết và gần với nhu cầu sản xuất của người nông dân; qua những mô hình/đề tài khi triển khai có tính tác động sâu rộng vào sản xuất và vực dậy được tiềm năng của địa phương, từ đó góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất hàng hóa nông sản do nông dân làm ra; đặc biệt, trong vùng đồng bào Khmer, từng bước được tiếp cận khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Xác định phụ nữ có vai trò quan trọng góp phần thực hiện tiêu chí Môi trường trong XDNTM, nhất là thực hiện các nội dung xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, mô hình “gia đình 5 có, 3 sạch”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Trà Cú đã triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động sự tham gia của hội viên, phụ nữ và Nhân dân trong xây dựng các mô hình, nhất là tại vùng có đông đồng bào Khmer.