22/01/2023 14:51
Nông dân Trà Cú phấn khởi khi đầu tư sản xuất hiệu quả, được mùa được giá.
Theo đồng chí Trần Văn Đồng, Phó trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, thông qua nhiều nguồn vốn đầu tư, Phòng đã hỗ trợ người dân thực hiện nhiều mô hình, tạo điều kiện giúp nông dân chuyển đổi sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả. Mô hình trồng bắp giống ở các xã Ngọc Biên, Long Hiệp đạt hiệu quả khá cao, đang tiếp tục mở rộng tại xã Tân Sơn; mô hình sản xuất lúa ST25 được triển khai thực hiện ở một số xã, được Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thiên (xã Ngọc Biên) hỗ trợ đầu ra; mô hình nuôi heo rừng ở xã Tập Sơn, Tân Sơn, Phước Hưng; mô hình trồng rau màu trong nhà lưới ở xã Ngọc Biên, nhiều nhất là trồng ớt được doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, có mô hình trồng gấc, nấm bào ngư, nuôi thủy sản khá hiệu quả.
Ngoài đầu tư lĩnh vực trồng trọt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện định hướng người dân phát triển chăn nuôi, hàng năm duy trì và phát triển khoảng 128.000 con gia súc, 02 triệu con gia cầm. Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả được triển khai xây dựng và nhân rộng như: nuôi heo an toàn sinh học tại xã Ngọc Biên, nuôi gà an toàn sinh học tại xã Long Hiệp... Nhằm nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, người dân đầu tư nâng cao chất lượng con giống (100% đàn heo được nạc hóa, 97,4% đàn bò lai), công tác phòng ngừa, khống chế dịch bệnh được triển khai đồng bộ, giúp chăn nuôi đạt hiệu quả.
Các mô hình được đánh giá cao về hiệu quả, cũng như lợi nhuận, nhất là phù hợp trong điều kiện sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu như hiện nay, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng vùng. Bên cạnh, phối hợp các công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho một số nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện, nhằm phát huy hiệu quả thực hiện các mô hình, Hội Nông dân phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho nông dân. Đồng thời, tư vấn kỹ thuật nuôi thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt cho hàng ngàn lượt hộ. Bên cạnh hỗ trợ người dân thực hiện mô hình sản xuất, ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học, công nghệ mới giúp sản xuất theo chuỗi giá trị, đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP. Đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, hỗ trợ nông dân xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản…
Đồng chí Võ Hoàng Lang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Biên cho biết: nhờ được đầu tư một số mô hình sản xuất hiệu quả, nhất là trồng bắp giống, đậu phộng, ớt giúp nông dân trong xã có thu nhập ổn định. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần nâng dần hàng năm, thu nhập bình quân năm 2022 đạt 66,6 triệu đồng/người/năm. Người dân tin tưởng, chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao.
Đặc biệt, để giúp người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tập trung đầu tư hỗ trợ người dân sản xuất thông qua các hội đoàn thể. Được biết, tính đến giữa tháng 12/2022, thông qua 04 tổ chức Hội đoàn thể, doanh số cho vay đạt 210,6 tỷ đồng với 6.092 hộ vay, nâng tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư tại huyện Trà Cú đạt trên 684 tỷ đồng, có 31.147 khách hàng vay. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ giúp người dân đầu tư các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nông dân Trần Văn Hoàng, xã Ngọc Biên chia sẻ: nhờ nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Chính sách xã hội và được tuyên truyền, vận động chuyển đổi sản xuất, 03 năm qua, tôi đầu tư trồng bắp giống, đậu phộng. Do đất giồng cát phù hợp với 02 loại cây trồng này nên năng suất đạt khá cao, được bao tiêu đầu ra nên gia đình an tâm sản xuất, với 5.000m² đất, trung bình tôi lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/vụ. Đời sống mỗi năm đều nâng lên, tôi rất vui!
Sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái và xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường luôn được quan tâm đầu tư, phát triển. Hiện Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, nhằm góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả và giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích. Tin rằng với những chính sách hỗ trợ và định hướng mô hình sản xuất phù hợp, đời sống người dân nông thôn Trà Cú ngày càng phát triển, kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.