10/02/2022 08:15
Để hiểu rõ hơn lộ trình chuẩn bị kết thúc dự án, phóng viên Báo Trà Vinh có dịp trao đổi với ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án SME Trà Vinh.
Phóng viên: Xin ông cho biết qua một năm hoạt động trong bối cảnh chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, Dự án SME Trà Vinh đạt những kết quả nào?
Ông Lâm Hữu Phúc: Năm 2021, các hoạt động theo kế hoạch năm của Dự án đã được triển khai thực hiện, giữ vững tiến độ, có phương hướng thực hiện kể cả trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến. Tiếp đó, Dự án còn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ kỹ thuật thường xuyên từ nhà tài trợ dự án. Nhờ đó, các hoạt động kỹ thuật được triển khai đúng định hướng và có chất lượng cao. Các sổ tay, tài liệu gửi tới nhà tài trợ luôn được ưu tiên xem xét, đánh giá và phản hồi nhanh giúp đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Trong năm, Dự án hỗ trợ tỉnh tổng kết kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) giai đoạn 2018 - 2020 và xây dựng kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai vận hành vườn ươm doanh nghiệp (DN) đạt kết quả tích cực: tổ chức 08 cuộc hội thảo xây dựng mô hình DN; tập huấn vận hành vườn ươm cho 04 cán bộ khối công; đào tạo 12 đội ngũ mentor (tư vấn) địa phương; 02 chương trình học viện khởi nghiệp cho 38 học viên trong tổng số 102 hồ sơ dự án khởi nghiệp đăng ký; thực hiện cải tạo và nghiệm thu đưa vào sử dụng văn phòng vườn ươm. Dự án phối hợp với Sở Công thương hỗ trợ liên kết thị trường thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết hỗ trợ hơn 80 DN đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho Công ty TNHH chế biến nông sản Thuận Phong (tỉnh Bến Tre) kết nối với các xã Thanh Mỹ, Lương Hoà A, Song Lộc, huyện Châu Thành xúc tiến xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ dừa hữu cơ trên diện tích 300ha.
Phóng viên: Chương trình hỗ trợ phát triển DN của Dự án trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các hoạt động của dự án trong năm qua như thế nào? Thưa ông?
Ông Lâm Hữu Phúc: Năm 2021, một số hoạt động của Dự án chịu tác động của dịch bệnh nên ảnh hưởng đến tiến độ như: các hoạt động tham quan học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về năng lực khởi nghiệp trong và ngoài nước không thể triển khai. Đội ngũ tư vấn vận hành vườn ươm, tư vấn chuyên gia ngoài tỉnh không thể vào làm việc trực tiếp, các hoạt động tham quan, hội thảo, hội họp, đối thoại, sự kiện,… không thể tổ chức và phải thay đổi lịch so kế hoạch. Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến tâm lý e ngại và lo lắng trong tiếp cận và thực hiện chương trình hỗ trợ DN. Do dịch bệnh nên các khó khăn vướng mắc trong thực hiện chương trình khi gặp phải thì khó xử lý và kéo dài, nhất là việc thực hiện các thủ tục đấu thầu - mua sắm theo quy định, mua sắm máy móc, thiết bị của các DN (đặc biệt là các loại máy móc, thiết bị nhập khẩu) bị trì trệ.
Tuy nhiên, nhờ hoạt động hỗ trợ tài chính từ Chương trình Hỗ trợ DN, Dự án đã giải ngân số tiền hỗ trợ không hoàn lại 3,7 tỷ đồng giúp 06 DN. Năm 2021, Dự án nhận được sự quan tâm của 10 DN có nhu cầu tham gia chương trình, qua quá trình xét chọn Dự án đã ký hợp đồng hỗ trợ 02 DN để đầu tư phát triển các sản phẩm mới từ dừa. Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng hoàn thành 02/03 công trình kết cấu hạ tầng nhằm phục vụ chuỗi giá trị dừa và phát triển du lịch; xây dựng bản cập nhật chiến lược rút lui trình phê duyệt và tổ chức thực hiện bàn giao lần 01 cho 15 đơn vị đối tác và 07 huyện thị tiếp nhận các kết quả, sản phẩm hoàn thành của dự án.
Lãnh đạo và cán bộ Dự án SME Trà Vinh khảo sát và làm việc với DNTN sản xuất Hai Kháng, huyện Trà Cú.
Phóng viên: Được biết, năm 2022 là năm cuối trong lộ trình kết thúc hoạt động của dự án, nhưng dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Dự án tập trung những nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động chuyển tiếp của năm 2021 và công tác triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022?
Ông Lâm Hữu Phúc: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động chuyển tiếp của năm 2021 và công tác triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022, Dự án sẽ sớm xây dựng và thống nhất kế hoạch thực hiện hoạt động với các đối tác. Qua đó, bám theo thời gian hoạt động được đề ra, đồng thời linh động áp dụng các phương pháp triển khai hoạt động qua hình thức online. Các sở, ngành, đối tác chủ động hơn trong thực hiện các hoạt động liên quan đến hành chính, tài chính, mua sắm đấu thầu để đảm bảo đủ thời gian triển khai các hoạt động kỹ thuật tại hiện trường.
Năm 2022, Dự án tiếp tục triển khai kế hoạch hành động thực hiện kết thúc. Để đảm bảo các kết quả, Dự án sẽ duy trì bền vững góp phần thực hiện thành công kế hoạch hỗ trợ phát triển DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 vừa thực hiện các hoạt động để đạt các kết quả đầu ra mong đợi, vừa bàn giao dần các mảng công việc và kết quả cho các bên liên quan. Thực hiện các công tác chuẩn bị để kết thúc dự án như đánh giá và báo cáo kết thúc Dự án, hội thảo tổng kết và quảng bá các thành quả của Dự án.
Phóng viên: Theo ông, đối với những hoạt động trọng tâm năm 2022, Dự án ưu tiên thực hiện những hoạt động nào nhằm tạo điều kiện DNNVV phát triển?
Ông Lâm Hữu Phúc: Năm 2022 của Dự án tập trung một số hoạt động ưu tiên như: (1) hỗ trợ khởi nghiệp là ưu tiên tập trung vào quy chuẩn hóa các thành tố của khởi nghiệp tiến đến thể chế hóa, bàn giao việc vận hành khởi nghiệp cho các đối tác trong tỉnh. Phối hợp triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực theo chiều sâu và theo hướng thực hiện và cầm tay chỉ việc; tổ chức cuộc thi sự kiện tập trung vào nội dung có lợi thế cạnh tranh của tỉnh làm đầu vào cho việc vận hành vườn ươm; vận hành các nguồn vốn bao gồm vốn hạt giống, vốn tín dụng để phục vụ ươm tạo, thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp. (2) Hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, Dự án tiếp tục vận hành một số công cụ tài chính đã thực hiện trong những năm trước như: chương trình hỗ trợ DN; Quỹ hỗ trợ phát triển kinh doanh cho DNNVV do nữ làm chủ theo hình thức tín dụng; thực hiện chuyển giao các công cụ và kết quả cho đối tác quản lý và thực hiện nhằm đảm bảo tính bền vững của các công cụ dự án. Các công cụ này chú trọng ưu tiên đối tượng DNNVV có phụ nữ hoặc dân tộc thiểu số làm chủ. Triển khai các hoạt động số hóa và cải thiện chính sách hỗ trợ DN, cải thiện việc tiếp cận dịch vụ hỗ trợ DN và hỗ trợ các hoạt động tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh: đánh giá thực trạng đăng ký bảo đảm tài sản trí tuệ và tư vấn, cải tiến mẫu mã sản phẩm, quảng bá tài sản trí tuệ cho 13 hợp tác xã nông thôn kiểu mới; hỗ trợ xây dựng và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc và xây dựng nền tảng dữ liệu điện tử hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh; xây dựng nền tảng giải pháp cho DN để vận hành và cung cấp dịch vụ BDS cho DNNVV tại tỉnh. (3) Hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị, Dự án tiếp tục hỗ trợ tỉnh ban hành kế hoạch hành động nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025 để làm cơ sở triển khai các hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị dừa nói chung và hoạt động xây dựng các liên kết nói riêng. Đồng thời, hỗ trợ hoàn chỉnh các liên kết chuỗi đã triển khai từ những năm trước và xây dựng thêm các liên kết mới giữa các tác nhân trong chuỗi, đặc biệt là thu hút liên kết với các DN đầu tàu trong chuỗi nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của các liên kết chuỗi; hỗ trợ tỉnh cụ thể hóa, triển khai một số chính sách liên quan đến liên kết ngành trong trong chuỗi giá trị.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
MỸ NHÂN (thực hiện)
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.