04/04/2021 16:51
Chị Tống Thị Minh Hiền (bìa phải) hướng dẫn cho các hội viên về kỹ thuật đan ghế khung sắt dây nhựa giả mây.
Chị Thạch Thị Duyên, ngụ ấp Chông Nô III, xã Hòa Tân phấn khởi cho biết, chị đã 04 lần nhận vốn vay từ nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển” để phát triển kinh tế gia đình (mua bán tạp hóa). Lần đầu (năm 2017) chi nhận 4,2 triệu đồng, sau đó nâng lên đến nay là 12 triệu đồng; nhờ nguồn vốn này, gia đình mua thêm nhiều hàng hóa (bột ngọt, đường, nước tương, nước mắm, rau cải và nước ngọt…) về bán cho người dân ở trong xóm, ấp. Trung bình mỗi ngày chị lời từ 130.000-150.000 đồng.
Chị Thạch Thị Cươne ấp Sóc Ruộng, xã Hòa Tân cho biết: gia đình thuộc hộ nghèo, chỉ có 1.500m2 đất trồng lúa. Năm 2017, được nhận số tiền 4,2 triệu đồng từ “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển” để chuyển đổi sang trồng màu. Với diện tích trên, gia đình dành 1.000m2 chuyển sang trồng các cây màu như cải ngọt, mồng tơi, rau dền, rau muống. Trung bình mỗi năm sản xuất 06-07 vụ màu, thu nhập từ bán rau, màu khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày, thời gian thu hoạch từ 12-15 ngày/vụ (tùy vào từng loại rau màu). Sau đó, gia đình tiếp tục được nhận vốn với các đợt sau tăng dần, hiện nay trên 15 triệu đồng.
Chị Tống Thị Minh Hiền, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Chông Nô III, xã Hòa Tân cho biết: Hội viên dân tộc Khmer trong ấp hơn 80%, ngoài các nguồn vốn như vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội, vốn giúp nhau trong hội viên... Đối với nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển” có ý nghĩa rất lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hộ của hội viên. Trong này, các hội viên khi nhận vốn sẽ biết cách để tiết kiệm và hàng tháng dành dụm 01 khoản tiền tương ứng cho chu kỳ 12 tháng/tổng số tiền vay để trả dần cho Quỹ.
Như vậy, khi kết thúc chu kỳ vay (12 tháng) hội viên không phải chạy kiếm khoản tiền để trả. Trong ấp hiện số thành viên được nhận vốn tăng từ 16 người (năm 2017), hiện nay lên 26 người, với số tiền hơn 430 triệu đồng; thành viên nhận vốn vay cao nhất là 18 triệu đồng và thấp nhất là 4,2 triệu đồng. Riêng chị cũng nhờ đồng vốn “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển” đã đầu tư mở rộng cơ sở đan ghế khung sắt sử dụng dây nhựa giả mây, cơ sở giải quyết việc làm cho gần 40 lao động là các hội viên và người lao động lớn tuổi ở ấp Chông Nô III, Hội An... thu nhập bình quân của các lao động khoảng 1,5-03 triệu đồng/tháng.
Được biết, Hội LHPN xã Hòa Tân là một trong những đơn vị quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển” đầu tư trên địa bàn xã. Từ cuối năm 2016, nguồn vốn trên được phân bổ về cho Hội với số vốn 297 triệu đồng (21 nhóm, có 141 thành viên), đến nay tăng lên 905 triệu đồng, với 36 nhóm có 202 thành viên trên địa bàn của 06/07 ấp tham gia vay vốn. Qua 05 chu kỳ luân phiên vốn, tổng vốn được chuyển giao cho hội viên trên 4,7 tỷ đồng.
Nhận xét về hiệu quả của nguồn vốn trên, bà Cao Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tân cho biết: qua tiếp cận nguồn vốn của Quỹ, các thành viên đã cải thiện cuộc sống nhờ hoạt động kinh doanh, mua bán nhỏ, chăn nuôi và trồng trọt, học tính tiết kiệm và các kiến thức khác. Mô hình giúp nhau phát triển kinh tế từ nguồn vốn của Quỹ, đặc biệt là trong đồng bào Khmer đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều hội viên phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình.
Thông qua các nhóm trong thực hiện vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, còn tập hợp được các chị vào tổ chức Hội, tác động tích cực vào các phong trào hành động cách mạng của địa phương như tham gia XDNTM với việc thực hiện cảnh quan môi trường, nuôi dạy con tốt, phòng tránh các tệ nạn xã hội...
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.