03/04/2023 14:21
Nông dân các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành, Trà Cú… tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Công ty Bio Blue Việt Nam.
Thực hiện Công văn số 1577-CV/VPTW, ngày 20/8/2021 của Văn phòng Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”; Quyết định số 516-QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”, Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh đã cùng một số ngành trong chương trình phối hợp thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg như phát triển nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (QHTND), hỗ trợ đưa khoa học công nghệ giúp nông dân và xây dựng thương hiệu nhãn hiệu nông sản; dạy nghề cho nông dân; tập huấn nâng cao năng lực, quản lý, điều hành các tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã…
“Đồng hành” với nông dân, thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn QHTND; Hội đã xây dựng các kế hoạch, chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện vận động, tăng trưởng nguồn vốn QHTND; kiểm tra, giám sát hoạt động QHTND. Trong năm 2022, ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện cấp cho QHTND 3,6 tỷ đồng, vốn từ nguồn vận động 715,3 triệu đồng; nâng tổng nguồn vốn toàn tỉnh hiện nay hơn 44 tỷ đồng (tăng 4,5 tỷ đồng so cuối kỳ 2021) đầu tư cho 204 dự án với 1.887 hộ vay. Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, giải ngân 1.089 tỷ đồng/875 tổ (37.691 hộ); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 771,7 tỷ đồng/158 tổ (7.479 hộ). Các cấp Hội lập dự án “Nông dân khởi nghiệp” đã giải ngân 32 dự án/429 hộ vay với số tiền 15,5 tỷ đồng.
Đồng chí Ngô Hene, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: qua tổng kết, các dự án đầu tư đã tác động tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tập quán canh tác, chăn nuôi của hộ hội viên nông dân, hình thành tổ nhóm vay vốn kết hợp xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp để tập hợp xây dựng tổ chức Hội và hội viên, tổ chức các mô hình liên kết sản xuất, chăn nuôi. Đặc biệt, đã đầu 01 dự án trồng màu công nghệ cao (dưa lưới trong nhà màng) và dự án lúa, tôm trong vùng chuyển đổi đất trồng mía của huyện Trà Cú, các dự án thực hiện có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho hội viên và được chỉ đạo nhân rộng ở các địa phương.
Thông qua vai trò của Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã kết nối với doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu, quảng bá nông sản cho nông dân. Đến cuối năm 2022, đã tổ chức 202 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 10.100 lượt hội viên; 13 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trước khi giải ngân vốn QHTND, cho hơn 180 hội viên. Triển khai kế hoạch liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm, mở mã số vùng trồng, quảng bá xuất khẩu nông sản của tỉnh giữa Công ty TNHH Green Powers với Hội Nông dân các huyện Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Trà Cú, Tiểu Cần.
Ghi nhận qua 02 cuộc hội thảo do Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức cho các hội viên nông dân trong tỉnh học tập, tiếp cận các quy trình kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh (cây ăn trái) và phòng, trị bệnh trên tôm nuôi… được hội viên nông dân ghi nhận rất tích cực.
Hội viên nông dân Võ Văn Tự, ấp Hòa An, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè chia sẻ: gia đình có gần 01ha diện tích trồng ổi, vừa qua, không biết ổi bị nhiễm bệnh gì, dẫn đến cây chết hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn cho nhà vườn, trong khi thời điểm này, ổi đang có giá rất cao. Qua tham dự tại hội thảo, các diễn giả của Viện Cây ăn quả miền Nam đã trình bày khá cặn kẽ nguyên nhân và biện pháp trong khắc phục tình trạng ổi bệnh chết hàng loạt. Bản thân cũng như các hội viên tham gia hội thảo rất phấn khởi.
Hội viên nông dân Ngô Văn Minh, ấp Cái Già, xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang cho biết: gia đình mới thả nuôi tôm công nghệ cao, dự kiến sẽ thả 270.000 con tôm giống/ao (diện tích 1.000m2). Hôm nay, được tham dự hội thảo nuôi tôm công nghệ cao tại ấp Đông Thành, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải do Hội Nông dân tỉnh và Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu công nghệ BIO BLUE Việt Nam (tỉnh Trà Vinh) tổ chức tôi nắm được khá nhiều về quy trình con tôm giống thế nào là sạch bệnh, khỏe mạnh cũng như việc ương, sản xuất và thuần tôm bố mẹ… Trước đây, nuôi tôm thường bắt tôm giống ở ngoài tỉnh, nay được nghe hướng dẫn về các giải pháp trong xử lý, phòng ngừa một số bệnh ở tôm nuôi khá kỹ, người nuôi cũng học hỏi được khá nhiều kiến thức, kỹ thuật nuôi, chăm sóc tôm…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.