30/10/2023 05:23
Để giúp hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế, Hội Nông dân các cấp trong huyện Cầu Kè đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện vận động thành lập và duy trì hoạt động đến nay được hơn 110 Tổ tiết kiệm vay vốn, gần 5.300 lượt thành viên vay, với tổng nguồn vốn hơn 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, các cấp Hội còn quản lý 15 dự án từ Quỹ Hỗ trợ Hội nông dân các cấp, trong đó nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương đầu tư 02 dự án, tỉnh đầu tư 04 dự án, huyện đầu tư 09 dự án, với tổng nguồn vốn trên 4,3 tỷ đồng, giúp 160 hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện vay phát triển sản xuất.
Bên cạnh đó, còn giải ngân 07 dự án cho 67 hộ nông dân thực hiện trồng màu, cải tạo vườn tạp, vườn cây già cỗi sang trồng cây ăn trái, với tổng số vốn gần 3,5 tỷ đồng từ Đề án số 03 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam “Về nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020 - 2025".
Song song việc hỗ trợ vốn, Hội Nông dân các cấp trong huyện còn tích cực phối hợp tổ chức mở các cuộc hội thảo, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để hội viên nông dân học tập tiếp thu, áp dụng vào trong sản xuất đạt hiệu quả.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2023, các cấp Hội Nông dân trong huyện đã phối hợp tổ chức được gần 600 cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt, gần 20.000 lượt hội viên nông dân tham dự. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn và khoa học - kỹ thuật đã có không ít hội viên mạnh dạn đầu tư sản xuất, mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Mô hình trồng chanh bông tím và dừa xiêm của nông dân Thạch Sa Phia, ở ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú.
Điển hình như gia đình ông Thạch Sa Phia, ở ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú, năm 2019 sau khi được xét hỗ trợ vay vốn 40 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh, ông đầu tư chuyển đổi 07 công đất trồng lúa sang lên liếp trồng 1.000 cây chanh bông tím kết hợp trồng các loại hoa màu lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay chanh đã cho thu hoạch mỗi năm ước đạt khoảng 12 tấn trái và được các thương lái thu mua với giá dao động khoảng 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình cũng thu về gần 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn trồng xen 300 cây dừa xiêm và hiện nay có một số cây đã cho trái và dự kiến vào giữa năm 2024 vườn dừa của gia đình sẽ cho trái đồng loạt, từ đó nguồn thu nhập của gia đình được tăng lên, cuộc sống càng ổn định hơn.
Ông Sa Phia nói: "Trước đây gia đình chủ yếu làm ruộng cũng kém hiệu quả, được Quỹ Hội Nông dân của tỉnh hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng để đầu tư lên liếp trồng chanh bông tím và dừa xiêm, hiện nay cây chanh đã cho thu hoạch đạt năng suất, đem lại nguồn thu nhập kinh tế cho gia đình".
Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn tích cực, tuyên truyền vận động hội viên thực hiện chuyển đỗi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh cũng như điều kiện kinh tế hộ, qua đó đã có nhiều hội viên hưởng ứng thực hiện và mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Thạch Hane, ở ấp Bà My, xã Hòa Ân cho biết: vào giữa năm 2023 ông được Hội nông dân xã vận động chuyển đổi từ 1,3 công vườn tạp sang trồng hẹ, sau hơn 02 tháng trồng lứa hẹ đầu tiên đã cho hoạch được hơn 1,3 tấn, với giá bán dao động khoảng 16.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoảng chi phí sản xuất ông còn lợi nhuận khoảng 15 triệu đồng. Từ hiệu quả ban đầu ông Hane quyết định mướn thêm hơn 04 công đất vườn của bà con xung quanh để mở rộng diện tích trồng hẹ.
Ông Hane cho biết trồng hẹ nhẹ công chăm sóc, đa phần chỉ sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như tiết kiếm được chi phí trong sản xuất, từ đó sẽ tăng nguồn thu nhập kinh tế gia đình. Theo ông Hane, mô hình trồng hẹ rất hiệu quả, qua hơn 02 tháng trồng đã cho thu hoạch hơn 01 tấn trên diện tích hơn 1.000m2 đất, giá bán cũng ổn định. Với hiệu quả của mô hình gia đình đã mướn thêm đất của bà con để mở rộng diện tích trồng hẹ đến nay được hơn 6.000m2.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, Hội Nông dân huyện Cầu Kè đã và đang phát huy vai trò đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, qua đó đã giúp nhiều hội viên xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống, góp phần XDNTM trên địa bàn. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới Hội Nông dân huyện Cầu Kè tập trung đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế, giúp hội viên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế địa phương và XDNTM.
Ông Huỳnh Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cầu Kè cho biết: Hướng tới Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện và tranh thủ từ nguồn Quỹ hỗ trợ Trung ương, tỉnh giải ngân các nguồn vốn để hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế; phối hợp mở các lớp hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật để hội viên áp dụng vào trong sản xuất đạt hiệu quả. Đồng thời cũng tập trung xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn để nhân rộng trong hội viên. Song song đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đặc biệt là chuyển từ đất lúa kém hiệu quả, vườn tạp, vườn cây già cỗi chuyển sang trồng rau màu, cây ăn trái có giá trị, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình”.
Có thể nói, Hội Nông dân huyện Cầu Kè thực sự là cầu nối, là nòng cốt trong việc giúp hội viên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Không chỉ nâng cao đời sống cho hội viên mà các phong trào của Hội đã góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng quê hương ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp.
Bài, ảnh: THÂN NI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.