02/06/2023 08:23
Ông Nguyễn Văn Nguyên được Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư 35 triệu đồng phát triển chăn nuôi bò.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Lương Hữu Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Cú cho biết: để tạo điều kiện cho hội viên và nông dân trong sản xuất; Hội luôn được sự quan tâm của Hội cấp trên và tranh thủ các nguồn vốn từ các ngân hàng, các dự án… để đầu tư, hỗ trợ hội viên có vốn phục vụ sản xuất trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản… Nhìn chung các nguồn vốn sau khi được triển khai, các hội viên đều sử dụng hiệu quả, góp phần rất lớn cho công tác xóa nghèo của địa phương.
Song song đó, Hội Nông dân huyện đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất.
Là địa phương có trên 63% đồng bào Khmer và sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Để nâng cao thu nhập và giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp luôn được các cấp Hội ở Trà Cú đặc biệt quan tâm, thông qua việc đẩy mạnh việc chuyển đổi từ đất trồng mía kém hiệu quả của nông dân ở các xã vùng trọng điểm về trồng mía như: Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu, Kim Sơn, Thanh Sơn, Hàm Tân… Thông qua các nguồn vốn, đã giúp cho các hội viên từng bước chuyển đổi sản xuất gắn với chăn nuôi, nuôi thủy sản (lúa - tôm), màu đem lại hiệu quả cao, cải thiện cuộc sống gia đình.
Theo đồng chí Dương Trung Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lưu Nghiệp Anh: thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hiện trên địa bàn xã được đầu tư 02 dự án nuôi bò với số vốn 700 triệu đồng cho 27 hộ hội viên ở 04 ấp Lưu Cừ I, Lưu Cừ II, Xoài Lơ và ấp Vàm. Dự án nuôi bò đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều nông dân của địa phương và tạo điều kiện cho các hộ tận dụng hiệu quả các diện tích đất trồng mía kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ kết hợp nuôi bò.
Đến tháng 5/2023, thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã triển khai đầu tư 20 dự án, số tiền 5,8 tỷ đồng cho 222 hộ vay thực hiện các mô hình sản xuất như nuôi bò sinh sản, nuôi dê sinh sản… Phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai nguồn vốn vay ủy thác cho 198 tổ vay vốn, có 9.035 hộ vay với tổng dư nợ trên 258 tỷ đồng (tăng trên 99 tỷ đồng so năm 2018). Đồng thời các cấp Hội còn phối hợp với các hợp tác xã, đại lý, doanh nghiệp… thực hiện cung ứng vật tư trả chậm sau thu hoạch cho hội viên nông dân được 412 tấn phân bón trị giá hơn 6,7 tỷ đồng; 108 tấn giống, trị giá 9,2 tỷ đồng; 2,3 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trị giá 2,3 tỷ đồng; 350 tấn thức ăn chăn nuôi, trị giá 13,5 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản ấp Bến Thế, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú cho biết: do điều kiện sản xuất của địa phương chủ yếu là sản xuất lúa và màu, để giúp nông dân có thêm thu nhập và tận dụng các diện tích đất kém hiệu quả, đất ven bờ kênh… để trồng cỏ, phát triển chăn nuôi (bò). Hội đã được huyện hỗ trợ đầu tư nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được 290 triệu đồng cho 09 thành viên vay nuôi 18 con bò kết hợp với làm chuồng nuôi. Hiệu quả của dự án đã mang lại cho nông dân rất lớn, giải quyết được lao động nông nhàn và tích lũy được thu nhập qua nuôi bò. Dự án đầu tư tháng 3/2022, đến nay đã có 06 con bò con được sinh ra.
Ngoài các nguồn vốn vay đồng hành cùng nông dân trong phát triển sản xuất; đối với phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thu hút được nhiều hội viên, nông dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo, nhiều hộ vươn lên khá giàu; đã góp phần chia sẻ, giúp nhau trong cộng đồng rất lớn như hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất, trực tiếp hỗ trợ và cho mượn cây, con giống; vật tư nông nghiệp…
Trong nhiệm kỳ, có 55.895 lượt hộ đăng ký; qua bình xét đã công nhận 31.422 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; thu nhập trung bình các hộ nông dân giỏi tăng từ 385 triệu đồng lên 463 triệu đồng… Từ phong trào trên, đã xây dựng 115 mô hình kinh tế điểm, với 2.605 thành viên trên các lĩnh vực như: nuôi thủy sản công nghệ cao; mô hình lúa chất lượng cao, mô hình nuôi bò, nuôi dê sinh sản; trồng màu theo hướng an toàn…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ - NGỌC XOÀN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.