27/02/2023 09:29
Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn Thạch Thị Diên (phải) đến thăm rẫy trồng đậu phộng của hội viên nông dân Hồ Văn Phước.
Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, Hội Nông dân xã đã phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn, cơ cấu lại các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Nhiệm kỳ qua, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp thực hiện 25.515ha, trong đó đất trồng lúa 14.250ha, so nghị quyết đạt 100%, tổng sản lượng lương thực đạt 59.375 tấn, đạt 105,44% nghị quyết. Diện tích cây màu đạt 11.265ha với các cây trồng chủ lực đậu phộng, bắp giống, dưa hấu, khổ qua, dưa leo, bí đỏ,... đạt 100,17% so với nghị quyết, so với nhiệm kỳ trước tăng 3.139ha. Lĩnh vực chăn nuôi, hiện xã có tổng đàn gia cầm, gia súc 43.600 con, trong đó đàn bò 5.830 con.
Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nông dân trong xã tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp. Nhiệm kỳ qua có 4.546 lượt hội viên nông dân thả nuôi hơn 546 triệu con tôm sú, tôm thẻ chân trắng giống, với diện tích mặt nước 2.973ha, sản lượng đạt 17.280 tấn, đạt 100,69% Nghị quyết.
Song song đó, Hội phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, qua đó có 2.347/5.184 lượt hộ nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 43,59% so với hộ đăng ký. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, điển hình như hội viên Thạch Khem Rinh, ấp Sóc Giụp; Hồ Văn Phước, ấp Sóc Mới; Trần Văn Bình, ấp Tân Lập.
Đến thăm mô hình chuyển đổi đất trồng thâm canh cây lúa sang trồng 01 vụ lúa - 01 vụ màu kết hợp với nuôi bò sinh sản của hội viên nông dân Khmer Hồ Văn Phước, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn với tổng lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Do điều kiện canh tác, nên 1,4ha đất sản xuất, hàng năm ông Phước chia làm 02 khu vực canh tác: 0,8ha đất trũng ông trồng 01 lúa - 01 vụ đậu phộng; còn 0,6ha đất gò cao ông trồng thâm canh cây dưa hấu và kết hợp nuôi 24 con bò, trong đó có 16 con bò đang sinh sản, lợi nhuận đạt từ 100 - 130 triệu đồng/năm.
Ông Phước cho biết: từ khi thực hiện chuyển đổi mô hình luân canh trồng trọt kết hợp chăn nuôi kinh tế gia đình ngày càng phát triển ổn định. Với 0,8ha đậu phộng hiện cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 07 - 7,5 tấn, giá 16.000 đồng/kg, lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Còn 0,6ha dưa hấu, năng suất đạt 1,5 - 02 tấn/0,1ha, giá bán từ 3.000 - 6.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/ha. Vụ màu năm nay, tình hình thời tiết biến đổi thất thường, giá thị trường không ổn định, chi phí vật tư nông nghiệp và công lao động tăng cao nên năng suất đạt thấp, lợi nhuận ít. Tuy giá chi phí nông nghiệp và công lao động tăng cao nhưng đối với cây đậu phộng trồng vụ này được mùa được giá, tăng 4.000 - 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ, nên lợi nhuận khá.
Theo đồng chí Thạch Thị Diên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Sơn, đầu nhiệm kỳ, toàn xã có 888 hộ nghèo, 400 hộ cận nghèo. 05 năm qua, thông qua phong trào thi đua bằng nhiều hình thức như tranh thủ nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Quỹ Hỗ trợ nông dân góp phần giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống. Đến cuối nhiệm kỳ, Hội đã góp phần giúp 973 hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, trong đó Hội trực tiếp đảm nhận giúp 92 hộ thoát nghèo, đạt 102% Nghị quyết.
Nhiệm kỳ tới, Hội tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động tập hợp nông dân vào các loại hình kinh tế đa dạng, đảm bảo chất lượng họat động theo quy định của từng lọai hình. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” với mô hình xây dựng chi, tổ hội vững mạnh gắn với phát triển kinh tế; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế; khảo sát, đánh giá, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến có hiệu quả.
Phân công trách nhiệm đối với chi hội trưởng, chi hội phó và tổ Hội, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo nhằm góp phần giảm nghèo theo Nghị quyết Đảng ủy đề ra. Phối hợp vận động hội viên chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung, thâm canh, chuyên canh và sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất và khả năng cạnh tranh, liên kết hợp tác tiêu thụ nông sản.
Xây dựng 01 mô hình dịch vụ hỗ trợ nông dân và mô hình kinh tế tập thể. Đồng thời đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới vào trong sản xuất những cây trồng, vật nuôi có hiệu quả.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.