20/09/2022 13:10
Đại diện Công ty Cổ phần Giải pháp đô thị nông thôn thông qua đề án với các đại biểu tham gia hội thảo.
Tham dự hội thảo có ông Hồng Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh; các chuyên gia tham gia phản biện: PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); PGS.TS Phước Minh Hiệp, nguyên Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực miền Nam (Tạp chí Cộng sản); PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh; đại diện các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện Càng Long, Cầu Kè, Cầu Ngang…
Ông Phó Đức Tùng, đại diện nhóm tư vấn của Công ty Cổ phần Giải pháp đô thị nông thôn thông qua đề án. Theo đó, đề án tập trung và làm rõ các nội dung: đánh giá thực trạng phát triển kinh tế biển của Trà Vinh trong các giai đoạn trước và hiện nay; những thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với phát triển kinh tế biển cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2030; đưa ra các mô hình kinh tế phát triển kinh tế biển ở trong nước và nước ngoài có bối cảnh, thách thức và cơ hội tương đồng Trà Vinh. Xây dựng kịch bản và lựa chọn đề xuất kịch bản tối ưu cho phát triển kinh tế biển Trà Vinh đến các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường…
Tham gia phản biện tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật kiến nghị, đơn vị tư vấn cần cập nhật, bổ sung văn bản mới của Trung ương vào đề án để làm cơ sở cho việc triển khai; xây dựng các đề mục, thống kê rõ ràng, phân tích ngắn gọn, dễ tra cứu. Nhấn mạnh về kinh tế đặc thù của tỉnh và đưa vào mối quan hệ tổng quan của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Việc xây dựng, đưa ra các mô hình về thủy sản, rừng… phải đảm bảo hài hòa về cấu trúc, sắp xếp phù hợp. Điều chỉnh hợp lý về nội dung đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế biển, phân tích thực trạng phát triển kinh tế biển; gắn kết với tổng quan của các huyện khác trong tỉnh. Cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, những dự án đề xuất, mục tiêu cần hướng đến; nét độc đáo của kinh tế biển Trà Vinh để có lợi thế so sánh và phát huy tốt hơn cho các đánh giá về các kịch bản về kinh tế biển trong từng giai đoạn nhỏ của 10 năm (2020 - 2030).
PGS.TS Phước Minh Hiệp tham gia phản biện đề án tại hội thảo.
PGS.TS Phước Minh Hiệp, nguyên Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan thường trực miền Nam đánh giá: về khoa học, kết cấu, tính logic trong đề án khá phù hợp. Tuy nhiên, cần đánh giá thêm khả năng thực hiện của địa phương có thể đạt được trong đề án theo từng giai đoạn. Bên cạnh, đề án chưa trình bày rõ về tình trạng chuyển đổi số của địa phương tại thời điểm thông qua đề án; cần đưa vào phần giải pháp. Kinh tế biển của đề án cần đặt trong bối cảnh cơ cấu lại nền kinh tế của Trà Vinh.
Theo PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, đề án chưa nói về tính an ninh quốc phòng trong phát triển kinh tế biển; một số hình ảnh đưa vào minh họa đề án chưa phù hợp. Về 04 nội dung mà đề án đưa ra như hàng hải, công nghiệp, thủy sản, đô thị xanh… cần phân tích tính tác động và ảnh hưởng của đề án. Việc đưa vào xây dựng đảo nhân tạo vào trong đề án chưa có tính thuyết phục cao.
PGS.TS Diệp Thanh Tùng tham gia phản biện đề án.
Ông Hồng Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 75% giá trị sản xuất toàn tỉnh, thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Giá trị ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 05%/năm, sản lượng thủy sản đạt 300.000 tấn/năm.
Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phấn đấu du lịch biển tăng trưởng bình quân hàng năm 15%, chiếm 10% tỷ trọng của toàn ngành. Phấn đấu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 46.500MW. Thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ XDNTM nâng cao, đạt tiêu chí đô thị loại III, thị trấn Cầu Ngang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đồng thời các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải đạt tiêu chí huyện NTM trước năm 2025.
Thông qua hội thảo này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn để điều chỉnh, bổ sung các ý kiến phản biện của các diễn giả, sớm hoàn thiện đề án để triển khai thực hiện...
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện Càng Long đã mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Điển hình là mô hình chăn nuôi của anh Bùi Văn Vinh, đoàn viên Chi đoàn ấp Rạch Cát, xã Đại Phúc.